Bị gọi tên bố, mẹ
Nguyễn Thùy Dương (HS lớp 11, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM), cho biết rất bực tức khi bị bạn bè gọi mình bằng cái tên của… mẹ. “Có lúc thì bị gọi là 'bé Thanh', có khi bị gọi là 'Dương Thanh' vì mẹ mình tên Thanh. Mình cảm thấy ức chế với cách gọi này”, Dương nói.
Theo Dương: “Có lẽ vì bạn bè thân thiết nên bạn bè mới gọi vậy. Nhiều lần mình nói thẳng là dị ứng với cách gọi như vậy, nhưng họ vẫn không nghe, vẫn gọi tên mình kèm tên mẹ”.
tin liên quan
Hot boy, hot girl ở trường họcCó rất nhiều bạn trẻ rơi vào tình cảnh giống Dương, khi bị bạn bè, người khác giao tiếp, xưng hô, gọi bằng tên của bố, mẹ, hoặc bị ghép cùng tên bố mẹ. “Khi bị gọi như thế, mình cảm thấy không được tôn trọng. Tên bố mẹ không thể được đem ra đùa giỡn như vậy. Nhưng thật buồn là nhiều lần mình phản đối thì tụi bạn vẫn không dừng lại”, Trần Phú Bình (HS lớp 10, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM), kể.
Thừa nhận đã từng gọi bạn bè bằng việc ghép tên bạn cùng với tên phụ huynh, Lê Hoàng T. (SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) thú thật: “Chỉ gọi với những ai thân thiết. Mình coi đó như là trò đùa vui giỡn chơi thôi. Nhưng đúng là gọi tên như vậy hơi bất lịch sự”.
Ngán ngẩm những biệt danh
Bên cạnh việc bị gọi kèm tên phụ huynh, nhiều người trẻ còn cảm thấy ngán ngẩm khi bị người khác gọi bằng những biệt danh “khó đỡ”.
Trần Minh Đức (SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho biết suốt 3 năm ĐH đã luôn bị trêu chọc, bị gọi bằng những cụm từ nói lái rất phản cảm. “Nhiều người học cùng lớp, cả nam lẫn nữ, đều vô tư gọi mình là 'Đức này đức nọ'. Mọi người cho đó là vui đùa, nhưng bản thân mình nghe xong cảm giác rất khó chịu và cảm thấy bị xúc phạm”.
Ngoài việc ghép tên người khác kèm những từ ngữ để khi nói lái lại tạo nên những cụm từ phản cảm, thì không ít người có thói quen tìm khuyết điểm, ngoại hình của người khác… để gọi. Có thể kể như: T. lùn, P. mập, Tr. ngọng, D. hô, Q. móm, Y. lòi sĩ…
tin liên quan
Tại sao người ta gọi những người yêu nhau là 'bồ bịch' ?“Cách gọi đó không khác gì miệt thị người khác. Thế mà nhiều người vẫn thản nhiên gọi như vậy khiến người bị gọi rất buồn và cảm thấy bị xúc phạm”, Quang A., HS lớp 11 Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), từng là nạn nhân của trò gọi tên bằng biệt danh, chia sẻ.
Đừng vô tình làm người khác tổn thương
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Thi (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam) cho biết thực tế trên đang diễn ra thường xuyên.
“Chỉ có thể gọi tên người khác kèm tên phụ huynh nếu như thật sự thân thiết và được đối phương đồng ý. Tuy nhiên phải hạn chế cách gọi này. Còn việc đem những khuyết điểm của người khác ra gọi giống như để chế giễu, hay gọi bằng những cụm từ lái phản cảm, gọi bằng những biệt danh khiếm nhã thì tuyệt đối không nên. Vì như thế sẽ làm người khác tổn thương”, bà Thi nói.
Có nhiều bạn trẻ hay lạm dụng những kiểu gọi tên bất lịch sự như vậy, nhất là với các học sinh, sinh viên. Điều này dễ khiến xảy ra những bất đồng, những tình bạn sứt mẻ chỉ vì gọi tên nhau. Thậm chí có thể dẫn đến những xô xát, ẩu đả, những hậu quả không lường trước được. Cũng theo chuyên gia tâm lý này thì: “Thay vì gọi tên kèm tên phụ huynh, có thể gọi nhau bằng tên thật, hoặc gọi nhau bằng những nick name dễ thương như: Phương xinh đẹp, Lan đẹp gái… Đừng làm mất tình bạn chỉ vì cách xưng hô với nhau”.
“Mình rất dị ứng với những cách gọi tên kèm tên cha, mẹ. Đừng biện minh lý do là vui đùa. Đó là không lịch sự trong giao tiếp”, (Thanh Lâm, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM).
“Mình chẳng thấy có gì vui trong cách xưng hô như: gọi tên kèm tên phụ huynh, gọi biệt danh khiếm nhã… Thế mà mình chứng kiến thường xuyên. Theo mình, nên gọi nhau bằng tên bình thường”, (Phan Vũ, SV Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi).
“Mỗi lần bị gọi là V. hô, V. răng vẩu… mình thật sự tức giận, thế mà họ lại cười vui. Cách gọi như vậy là rất quá đáng, là xúc phạm và khiến người khác mất tự tin”,(Trần V., HS lớp 12 Trường THPT Vạn Tường, Quảng Ngãi).
|
Bình luận (0)