Cưu mang trẻ mồ côi

Như Lịch
Như Lịch
29/12/2018 19:54 GMT+7

Phước là trẻ mồ côi sống ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Long An. Thấy bé yếu ớt và thiếu thốn tình cảm, bà Võ Thị Năm, thuộc diện người già cô đơn đã xin đưa bé về phòng mình chăm sóc. Hai thân phận côi cút nương tựa nhau, coi nhau như ruột thịt.

“Ngoại không thể sống đời với con…”

Năm 2012, khi mới được vài tháng tuổi, bé Nguyễn Hữu Phước bị gia đình bỏ rơi. Người ta “lượm” bé và đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (nay là Trung tâm Công tác xã hội) tỉnh Long An. Bé được những nhân viên thay nhau nuôi nấng.

Gần hai năm nay, nhiều người ngạc nhiên khi thấy bé Phước luôn có “bà ngoại” Năm kề cận. Bà Võ Thị Năm (66 tuổi), thuộc diện người già cô đơn sống trong trung tâm trên,cho hay: “Tui thấy các cô chú nhân viên bận bịu quá nhiều công việc nên khó có thể chăm sóc bé Phước chu đáo. Mặt khác, thể trạng bé yếu đuối, hay bị bệnh… Vì vậy, tui đã xin phép Ban giám đốc đưa nó về phòng mình sống cùng, để lo cho nó”.

Bà Năm tự tạo niềm vui bên những giò phong lan của mình

Theo bà Năm, bé Phước có thể nghe - hiểu, nhưng khả năng nói cũng như vốn từ còn rất hạn chế. Do diễn đạt khó khăn nên nhiều lúc Phước “nổi khùng” và bướng bỉnh. Tuy nhiên, bà Năm vẫn từng ngày kiên nhẫn hướng dẫn cho bé sinh hoạt nề nếp cũng như rèn tính tự lập. Bà mua cây chổi ngắn để bé tập quét nhà. Hiện bé đã biết đánh răng, biết rửa tay phòng ngừa bệnh… Bà hay khuyên nhủ bé: “Con phải biết tự chăm sóc bản thân. Vì ngoại đâu có sống đời với con, mai mốt ngoại chết họ đưa vô hòm thiêu rồi”.

Tự tạo niềm vui trong trại dưỡng lão

Bé Phước hiện học lớp 1 và đã có một số tiến bộ trong ứng xử. Bà Năm cho rằng điều bà ấn tượng nhất từ“đứa cháu lượm” này là đôi mắt của bé. “Mỗi khi nó nhìn tôi, tôi cảm nhận có một tình cảm rất lạ, không sao diễn tả được. Đôi mặt toát lên vẻ ấm áp và thân thiết như ruột thịt!”, bà Năm tâm tình.

Một lần, Phước chơi trò viết phấn trên nền nhà. Bà Năm nhắc bé lấy giẻ lau,không để bụi phấn bay tùm lum. Lau xong, Phước thỏ thẻ: “Ngoại ướt, đi ngoài, té à”. Bà Năm giải thích: “Nó bị khuyết tật ngôn ngữ, không diễn tả được nhiều. Nhưng tôi hiểu ý nó vầy nè: ‘Chỗ này ướt, ngoại đi ngoài này nè, kẻo té’. Nên tôi thương nó như cháu ruột mình”. 

Được biết, thời trẻ, bà Võ Thị Năm công tác trong một trung tâm sức khỏe cộng đồng ở tỉnh Long An. Bà lập gia đình muộn, không có con cái. Sau này chồng bà bị tai biến và trở về nương nhờ bên những người con riêng của ông. Còn bà xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Long An từ  năm 2015.

Bà Năm thổ lộ: “Ban đầu, tôi cũng sốc, thấy tủi phận vì sống trong môi trường hoàn toàn khác bên ngoài. Dần dần tôi đã thích nghi và thấy ấm lòng với những gì mình đang được hưởng: Cơm ăn ba bữa/ngày, đau bệnh có mấy cô mấy chú nhân viên chăm sóc. Đôi khi trong cuộc sống cũng có va chạm, nhưng tôi tâm niệm mình vô đây không còn gì hết, chỉ chờ ngày qua lò thiêu thôi. Thành ra, mình cố gắng nhường nhịn nhau, mỗi người dằn cái nóng một chút để sống chan hòa”.

Không chỉ chung tay cưu mang bé Phước, bà Năm còn chủ động tự tạo niềm vui trong trại dưỡng lão bằng cách trồng cây cảnh, chăm sóc những giò phong lan bà dành dụm mua được…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.