Tại buổi tọa đàm “Go Voluntouring - cách để trở thành tình nguyện viên quốc tế”, do Đoàn, Hội Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Tổ chức Sinh viên tình nguyện quốc tế, thuộc Bộ Giáo dục Malaysia YSS, cùng phối hợp tổ chức ngày 29.9, các diễn giả đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề này.
Hoàn thiện những kỹ năng
Chị Trần Hoàng Khánh Vân, Trưởng ban Quốc tế Thành đoàn TP.HCM, muốn các bạn trẻ phân biệt được hoạt động tình nguyện và từ thiện. Theo chị Vân, những hoạt động từ thiện sẽ nặng về vật chất nhiều hơn, tức là mang vật chất đi trao tặng để giúp đỡ đối tượng nào đó và thường chỉ cần có tấm lòng, xuất phát từ tâm nhiều hơn. Trong khi đó, hoạt động tình nguyện đòi hỏi phải có kỹ năng.
Khi đi tình nguyện, bạn sẽ phải đối diện với câu hỏi của người dân: Làm cái này để làm gì? Vì thế, tiếp theo câu chuyện kỹ năng, đòi hỏi các tình nguyện viên phải có kiến thức để sáng tạo và biết cách duy trì hoạt động đó lâu dài.
“Vậy tại sao chúng ta nên tham gia các hoạt động tình nguyện, cần khoác áo tình nguyện lên và đi? Bởi khi tham gia tình nguyện chính là lúc bạn đang học và tự trang bị những kiến thức, kỹ năng. Học từ người dẫn đầu, bạn bè và từ thực tiễn. Những tình huống bất ngờ, phát sinh sẽ rèn cho các bạn những kỹ năng giải quyết vấn đề hay kỹ năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó là kỹ năng để trở thành người lãnh đạo trong tương lai - những kỹ năng mà các bạn không bao giờ ngờ đến”, chị Vân nhấn mạnh.
Nói về kỹ năng làm việc nhóm, chị Vân cho biết thêm, đây là kỹ năng mà người trẻ Việt đang thiếu, bởi người Việt thường 9 người 10 ý nhưng các hoạt động tình nguyện sẽ gắn kết họ lại, giảm bớt cái tôi cá nhân.
Cũng theo chị Vân, trong thời buổi hội nhập hiện nay, việc tham gia các hoạt động tình nguyện ở nước ngoài là cơ hội tốt để mỗi người trẻ được chia sẻ, cống hiến và trưởng thành hơn. “Khi bước chân ra khỏi đất nước, các bạn sẽ được trải nghiệm những điều trước đây chưa từng gặp, vượt qua những thử thách và rào cản mà nhiều khi các bạn nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ làm được. Thử thách và rào cản càng nhiều, trải nghiệm và sự trưởng thành cũng sẽ lớn hơn”, chị Vân chia sẻ.
Còn Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, Trưởng đoàn đại biểu VN tham gia chương trình YSS-ASEAN Volunteers Mission to Sarawak, Malaysia 2018, chia sẻ: “Ở các chương trình quốc tế, khi báo cáo thành quả của chiến dịch tình nguyện thường sẽ được đặt rất nhiều câu hỏi. Chính từ đây hình thành cho chúng ta tư duy phản biện. Rồi những đêm phải đối diện với các buổi đào tạo, hướng dẫn kỹ năng và viết báo cáo bằng tiếng Anh đến 1, 2 giờ sáng sau một ngày làm việc vất vả… tưởng sẽ không làm được nhưng rồi cũng vượt qua và những kỹ năng cứ dần hình thành mà ta không ngờ đến được”.
Không cần bạn phải quá giỏi
Hoàng Thị Ánh Nguyệt, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hỏi: “Để trở thành một tình nguyện viên quốc tế, phải cần chuẩn bị những gì?”.
Trước khi trả lời câu hỏi này, anh Muhammad Zulasri bin Rosdi, cựu thành viên YSS, chuyên viên hành chính Bộ Ngoại giao Malaysia, kể về câu chuyện suốt 3 năm anh đi tình nguyện tại 12 quốc gia, trong đó có VN. Anh chiếu lên màn hình tấm ảnh chụp với chiếc mũ tai bèo khi làm tình nguyện viên tại H.Củ Chi, TP.HCM. Anh nhắn gửi: “Đi làm tình nguyện viên quốc tế, chúng ta nhận được nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ, biết được những nền văn hóa khác nhau, có thêm rất nhiều bạn, để rồi sau này khi đi du lịch đến bất cứ đâu, chúng ta cũng có bạn. Được sống cùng người dân, được họ tặng những món đồ tuy đơn giản nhưng bạn sẽ học hỏi được văn hóa, hiểu được con người, ngôn ngữ…”.
“Nhưng trước khi là những tình nguyện viên quốc tế, bạn phải tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại đất nước của mình. Các bạn có thể nhìn nước da rất đen của tôi để làm minh chứng”, Muhammad Zulasri bin Rosdi khuyên.
Cũng theo Rosdi, tình nguyện viên quốc tế phải đối mặt với sự đa dạng văn hóa, và rào cản ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi. Yêu cầu đầu tiên là bạn phải giỏi tiếng Anh, đặc biệt là các kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ - không chỉ biết nói mà còn phải biết viết.
“Đi hoạt động tình nguyện phải bắt đầu bằng trái tim và cái tâm muốn giúp ích xã hội. Không chỉ đến giúp đỡ xong rồi về mà phải để lại được sự tác động tích cực lâu dài đến đời sống của người dân nơi đó, giúp họ cải thiện, phát triển đời sống…”, Muhammad Zulasri bin Rosdi nhấn mạnh.
Có bí quyết nào để săn các suất tình nguyện viên quốc tế? Bạn Đỗ Phạm Nguyệt Thanh chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Đầu tiên phải thật sự hiểu bản thân có phù hợp với chương trình đó hay không, rồi những đóng góp cụ thể của bạn vào chương trình đó là gì. Ví dụ như mình học y thì mình tự đề cử sẽ chăm sóc sức khỏe cho đoàn, hay có khả năng chụp hình, văn nghệ… Hãy làm nổi bật những khả năng bản thân có để tạo được điểm nhấn cho bộ hồ sơ. Các chương trình như thế này thường sẽ chọn người phù hợp chứ không phải người giỏi, vì người giỏi thì rất nhiều”.
Bình luận (0)