Về xã Đại Thắng (H.Phú Xuyên, Hà Nội) giờ đây nhiều người con xa quê không nhận ra quê mình vì đường làng, ngõ xóm đẹp như tranh. Chỉ dài chừng hơn 30 m, con đường bích họa ở thôn An Mỹ có hàng chục bức tranh được vẽ màu nước rất sống động, với những khung cảnh yên bình: cây đa, giếng nước, mái đình… Ở đó còn có cả không gian văn hóa với tình làng nghĩa xóm.
Ông Nguyễn Văn Thái, người dân xã Đại Thắng, cho biết: “Trước khi có tuyến đường bích họa tại đây là những mảng tường nhà cũ kỹ, lấm lem rêu mốc, thậm chí bị dán chằng chịt tờ rơi quảng cáo. Từ khi con đường được thanh niên tô điểm bằng những bức tranh sinh động, cảnh quan đường làng, ngõ xóm như mang một diện mạo mới khiến bà con ai nấy đều cảm thấy rất tự hào”.
Tại thôn Nội (xã Văn Hoàng, H.Phú Xuyên) nhiều năm qua tồn tại một chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan và môi trường. Thanh niên trong xã chọn điểm này để thực hiện các tuyến đường bích họa và đã làm thay đổi ý thức của người dân. “Dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng mình sẽ hoàn thành tuyến đường với những bức tranh đẹp”, anh Vương Văn Đảo, Bí thư Đoàn xã Văn Hoàng, cho biết.
Không chỉ có những tuyến đường bích họa, Đoàn xã Văn Hoàng và xã Đại Thắng còn đang tích cực triển khai hạng mục “đường hoa”, “đường có tên, nhà có số”. Theo đó, trên các tuyến đường làng, ngõ xóm sẽ được bố trí, sắp đặt những chậu hoa, bồn cây cảnh để tạo không gian, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Tại H.Phúc Thọ (Hà Nội), các thanh niên cũng đã hoàn thành rất nhiều tuyến đường bích họa, tô điểm cho các làng quê. Dài gần 400 m, bức tường bao quanh khuôn viên Trường THCS Tích Giang đã được khoác áo mới, lung linh, tươi đẹp hơn. Chủ đề của những bức tranh là bảo vệ môi trường, qua đó góp phần tuyên truyền việc thực hiện mục tiêu chung của toàn huyện xây dựng mô hình ba sạch: “nước sạch, môi trường sạch và nông nghiệp sạch”.
Các đội hình tình nguyện cũng đã có mặt ở nhiều vùng quê của TP.Hà Nội để chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất cây trồng, phát triển kinh tế bền vững. Tại xã Đại Cường (H.Ứng Hòa), thanh niên tình nguyện đã giúp người dân ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt...
Anh Phùng Xuân Giáp, Bí thư Đoàn xã Đại Cường, kể: “Phần lớn người dân trong xã đang chuyển sang đa canh, kết hợp nuôi lợn, gà, cá… với trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, họ chủ yếu làm theo kinh nghiệm cha ông, nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn nước bị ô nhiễm nên vật nuôi dễ mắc dịch bệnh”. Các tình nguyện viên đã tìm hiểu yêu cầu của người dân địa phương và cung cấp cho bà con cách thức phòng trừ dịch bệnh cho cá giống; chăm sóc lợn con sau sinh; những lưu ý khi lựa chọn con giống cũng như vệ sinh chuồng trại…
Bình luận (0)