Robot phục vụ bệnh nhân trong mùa dịch Covid -19 trên là sản phẩm độc đáo của thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh, Trưởng Quản lý dịch vụ buồng bệnh Bệnh viện T.Ư Huế chế tạo ra.
Nói về ý tưởng sáng chế robot này, thạc sĩ Huỳnh Phúc Minh cho biết, xuất phát từ thực tiễn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (gọi tắt là Covid-19) đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, bản thân anh băn khoăn không ngủ được khi thấy đội ngũ y, bác sĩ vất vả bưng bê các vật tư y tế cho bệnh nhân cách ly nghi nhiễm Covid-19 nên anh đã suy nghĩ và quyết định chế tạo một robot nhằm giảm áp lực cho các đồng nghiệp của mình.
|
Sau đó, thạc sĩ Minh đã đã gặp GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện trình bày và được bác sĩ cho phép, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện.
“Để làm được robot, tôi bắt đầu nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến điện tử, kèm theo đó là hỏi một số đồng nghiệp trong lĩnh vực này. Từ đó, chúng tôi quyết định cải tiến chiếc xe điện tử điều khiển từ xa. Một tháng đầu, con robot này còn sơ sài, sau chúng tôi cải tiến dần hơn, đưa vào thêm nhiều chức năng như một robot nước ngoài. Sau hai tháng, chúng tôi đã hoàn thiện thành công và đưa vào ứng dụng thực tế. Hiện tại, nó đang được sử dụng hiệu quả ở khu cách ly ở bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2”, thạc sĩ Minh nói.
Theo thạc sĩ Minh thì con robot này được cải tiến từ xe ô tô điều khiển từ xa của trẻ em. Theo đó sẽ dùng xe điện tử lắp chíp tự động điều khiển, sử dụng bình điện 12V. Bên cạnh đó, xe có thùng chứa 4 ngăn có thể chở được trọng lượng từ 40-50kg với tốc độ khoảng 20km/giờ và điều khiển được từ xa với khoảng cách trên 50m. Robot có thể đi qua đến các phòng, các khoa trong bệnh viện nhằm giảm bớt áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh nhân và tiết kiệm một khoản tiền lớn về vật tư y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo thạc sĩ Minh, robot này di chuyển rất linh hoạt, nó có thể quay trái, quay phải, quay đầu trước và quay đầu sau với độ chính xác cao. Đặc biệt, robot có thể giao tiếp được với bệnh nhân và các y bác sĩ của bệnh viện thông qua màn ảnh của camera. Qua đó, họ có thể nhận biết và trả lời trên bảng máy tính được lắp trên robot này.
|
“Trong quá trình chế tạo robot phục vụ bệnh nhân, chúng tôi có lắp hệ thống điều khiển camera, bộ âm thanh, mạch điều khiển chống vật cản, quan sát camera kết nối với internet. Sau đó, chúng tôi cài đặt phần mềm quan sát trên máy tính bảng, các bộ phát âm thanh lập trình bằng tiếng Anh và tiếng Việt để robot có thể giao tiếp được với bệnh nhân và đội ngũ y tế của bệnh viện”, thạc sĩ Minh giải thích.
Cũng theo Thạc sĩ Minh, trong quá trình sáng chế ra robot này, anh và các đồng nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. “Thứ nhất là khó khăn trong kinh phí để mua phụ kiện, hầu hết các thiết bị để lắp đặt robot rất hiểm, chúng tôi phải tìm kiếm và đặt mua rất lâu mới có. Thứ 2, trong khi nghiên cứu lắp ráp các bo mạch vào bộ điều khiển của robot, nhiều lúc không ổn định và bị lỗi rất nhiều khiến chúng tôi phải nghiên cứu và làm lại nhiều lần. Nhưng rồi, chúng tôi cũng hoàn thiện được robot”, anh Minh chia sẻ.
Thạc sĩ Minh cho biết, sắp tới, anh và đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện sẽ nghiên cứu thêm nhiều chức năng cho robot, cùng với đó là chế tạo thêm nhiều robot phục vụ bệnh nhân nữa để nó có thể phục vụ bệnh nhân bị cách ly do nghi nhiễm Covid-19 một cách tốt hơn.
Bình luận (0)