Đối với người Việt xa xứ, những ngày cuối năm này thật dễ chạnh lòng, nhất là những du học sinh vì học tập, thi cử hay vì điều kiện kinh tế, không thể về đón tết bên gia đình.
“Hai cái tết xa nhà, giờ sắp đón cái thứ ba, tết với mình cũng như bao ngày bình thường khác, vẫn thức dậy từ sáng sớm và về phòng lúc 4 giờ sáng, sau ca làm thêm. Mình bây giờ chỉ mong có đủ tiền để trang trải học phí và sinh hoạt hằng ngày chứ chẳng dám mong tới về quê đón tết”, Minh Nguyệt, du học sinh Việt Nam tại Úc, chia sẻ.
|
Sinh ra trong một gia đình khá giả lại giỏi ngoại ngữ, Minh Nguyệt được bố mẹ cho đi du học ngay khi vừa tốt nghiệp cấp ba. Kỳ học đầu tiên trôi qua suôn sẻ, Nguyệt dễ dàng hòa nhập với môi trường học tập, sinh hoạt tại Úc và đã tìm được cho mình một công việc làm thêm để trải nghiệm.
Đầu kỳ học thứ hai, biến cố lớn ập tới khiến việc kinh doanh của gia đình đổ bể, bố mẹ không còn khả năng chu cấp học phí cho Nguyệt. 19 tuổi, nữ sinh nhỏ nhắn này lao vào những công việc làm thêm, “oằn” mình chi trả khoản học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ để quyết tâm hoàn thành chương trình đại học. Cách một năm, Nguyệt lại bảo lưu nghỉ một kỳ để có thời gian “cày” học phí cho năm tới.
Đau lòng thay, giữa năm ngoái, em trai bất ngờ gặp tai nạn qua đời khiến bố mẹ Nguyệt suy sụp hoàn toàn. Lễ tang của em trai Nguyệt cũng không kịp về để tiễn em lần cuối. Cái tết năm nay với Nguyệt thật nhiều cảm xúc.
Trong cuốn nhật ký của mình, Nguyệt nhắn nhủ tới em trai: “Đã 3 năm rồi, năm nào cũng mong tết đến thật chậm, để không còn nhớ nhà đến quay quắt. Nhưng đây là lần đầu tiên, chị mong xuân đừng đến, để chị không thấy lạc lõng nơi xứ người khi không có em động viên, để bố mẹ mắt đỏ hoe vì nhớ thương em khi nhà nhà sum họp. Giữa con phố của người Việt nhộn nhịp chuẩn bị đồ đón năm mới, trái tim chị chợt hẫng lại, vì nhớ em, nhớ gia đình, nhớ hương vị tết”.
|
Năm nay là cái tết xa nhà đầu tiên của Khánh Huyền, sinh viên Mohawk College of Arts and Technology, (Canada). Lịch thi học kỳ của Huyền trùng vào dịp nghỉ tết nên em không thể về quê như các bạn du học sinh khác.
“Tận cuối năm lớp 12 mới quyết định đi du học nên em chẳng biết được tết năm ngoái là cái tết gần nhất em còn có thể ở bên gia đình. Hồi trước, em với bạn bè chẳng đứa nào thích thời tiết đầu xuân cả. Trời mưa suốt, áo đồng phục phơi mãi không khô, đường thì bẩn, đi học em hay bị ngã lắm. Nhưng giờ sáng nào mở cửa ra cũng thấy tuyết trắng xóa, em lại thấy nhớ cái thời tiết mưa phùn nồm ẩm ấy”, Huyền chia sẻ.
|
Hầu hết du học sinh Việt Nam đều tìm kiếm công việc làm thêm ngoài giờ học. Có những bạn đi làm để trải nghiệm, tìm cảm hứng, nhưng cũng có rất nhiều bạn đang chật vật đi làm để trang trải cho cuộc sống du học đắt đỏ. Thay vì về quê vào những dịp lễ tết, các bạn thường chọn ở lại làm thêm giờ hoặc tìm thêm một vài công việc khác để có đủ học phí cho kỳ tiếp theo. Chưa kể, chi phí đi lại cho mỗi lần về quê cũng khá tốn kém nên các bạn du học sinh tự túc thường tâm lý tiết kiệm tối đa.
Bùi Trang, sinh viên Đại học Pyeongtaek (Hàn Quốc), chia sẻ: “Vẫn biết là bố mẹ ở nhà buồn nhưng nếu hai chị em mình cùng về thì sẽ rất tốn kém, mà một đứa về thì đứa ở lại cũng tủi thân, nên hai chị em quyết định không về. Hai đứa cũng an ủi nhau coi như tiết kiệm được một khoản để lo sinh hoạt phí”.
|
Đổi những phút giây cô đơn, lạc lõng nơi đất khách lấy kiến thức và sự trưởng thành, tết với du học sinh vẫn như bao ngày bình thường khác, vẫn “căng não” với những bài kiểm tra trên lớp, vẫn bận rộn với công việc làm thêm đến tối muộn. Với họ, hương vị tết không phải là chậu quất, cành mai, cây đào mà chỉ là âm thanh của bài nhạc phát ra từ chiếc laptop. Phải xa quê mới biết thế nào là “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Lê Hồng Hưng, sinh viên Đại học Dongguk (Seoul, Hàn Quốc), chia sẻ: “Hai năm nay mình đều ngắm pháo hoa trên đường đi làm thêm về. Đêm giao thừa năm ngoái, dù đã cố gắng để về nhà thật sớm gọi điện chúc tết ông bà và bố mẹ, nhưng khi mình vừa bước ra khỏi cửa quán cũng là lúc mọi người đang đếm ngược để chào đón năm mới. Dẫu là con trai nhưng mình cũng không khỏi cay mắt khi vừa tủi thân vừa nhớ gia đình”.
|
Ở đâu có người Việt ở đó có chợ Việt, có mâm cơm truyền thống. Tết xa quê, du học sinh vẫn được gói bánh chưng, làm giò chả và cùng nhau làm những điều ý nghĩa.
Minh Huyền, du học sinh Việt Nam tại Potsdam (Đức), hào hứng cho biết: “Thứ năm vừa qua, mình có dịp tham gia trải nghiệm gói bánh chưng tại chùa Phúc Lâm, Postdam. Đây là hoạt động do các cô chú cộng đồng người Việt cùng các bạn sinh viên Berlin-Postdam tại Đức tổ chức. Thú thật, đây là lần đầu tiên mình được gói bánh chưng. Bầu không khí của ngày hôm đó thực sự rất ấm cúng và gần gũi, làm cho nỗi nhớ nhà của mình cũng được vơi đi phần nào”.
|
Dù bận rộn với công việc và học tập nhưng năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp tết đến, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại các nước cũng không quên tụ họp để cùng nhau ăn bữa cơm tất niên.
“Năm nào anh em cũng cố gắng sắp xếp để gặp nhau. Mọi người quây quần bên nhau nấu ăn, gọi điện về chúc tết gia đình, động viên nhau cố gắng học tập thật tốt. Bọn mình còn cùng nhau đi chùa cầu may mắn cho gia đình và người thân trong năm mới”, Phương Quang Huy, du học sinh Việt Nam tại Saitama, Nhật Bản, cho hay.
Tết vẫn đến với du học sinh qua những tin nhắn, những cuộc gọi video và những bức ảnh du xuân ngập tràn trên mạng xã hội facebook. Tết đến thật chậm rãi, sâu lắng trong lòng những người con xa quê.
Bình luận (0)