Đừng là những người trẻ thiếu hiểu biết pháp luật

22/04/2019 07:41 GMT+7

Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, người trẻ gây án để rồi phải vào lao tù, đánh mất tuổi thanh xuân, mất cả tương lai...

Trước những vụ việc đáng tiếc xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng người trẻ hiện nay nhận thức và hiểu biết pháp luật khá hạn chế.

Tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng

Nhìn nhận về vấn đề này, tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm (Trường ĐH An ninh nhân dân), cho rằng từ những vụ việc như hiện tượng mạng Khá “Bảnh” hay vụ án một nhóm học sinh cùng hiếp dâm bạn học ở Quảng Trị, rồi vụ nhắc vượt đèn đỏ bị đâm chết... cho thấy tính chất mức độ của các hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm, nghiêm trọng và tội phạm đang ngày càng trẻ hóa.
Nguyên nhân theo ông Báu, thời buổi hiện nay tâm lý lứa tuổi phát triển trước độ tuổi, với sự phát triển của mạng xã hội, người trẻ sớm tiếp cận với văn hóa phẩm đồi trụy, rồi các trào lưu trên mạng.
Bên cạnh đó, giới trẻ hiện nay không chỉ có những nhóm bạn bè chơi thông thường như trước đây là bạn học, bạn hàng xóm mà giờ đây còn có những nhóm bạn ảo trên mạng xã hội. Nhóm này với quy mô rộng và không giới hạn thành phần, văn hóa... nên tác động ở những nhóm bạn ảo này sẽ rất dễ định hướng hành vi và nhận thức của giới trẻ. Từ đó, hình thành tâm lý đám đông dễ bị ảnh hưởng lẫn nhau rồi dẫn đến những hành vi phạm tội, những nhóm đối tượng phạm tội.
Không những thế, ông Báu cũng cho rằng hiện nay giáo dục gia đình thường quan tâm đến kiến thức mà quên chú ý giáo dục kỹ năng, không cho con lao động để học tập những giá trị trong cuộc sống, từ đó dẫn đến xu hướng trẻ rất ích kỷ, có những hành vi sai trái và khi ra ngoài sẽ thiếu những kỹ năng xử lý tình huống. Giáo dục trường học thì thầy cô là tấm gương nhưng thời buổi hiện nay, thầy cô giáo cũng có rất nhiều vấn đề.

Hiểu biết pháp luật hạn chế

Theo tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, khi thực hiện hành vi phạm tội, các bạn không hình dung được từ những chuyện cãi nhau bình thường có thể dẫn đến hành vi phạm tội rất nhanh. Các bạn vì bốc đồng, vì háo thắng, không kiểm soát được bản thân cũng như không nghĩ đến hậu quả pháp lý: chịu trách nhiệm hình sự, vào tù...

Tất cả những hành vi phạm tội của người trẻ ngoài nguyên nhân mất kiểm soát, chưa đủ kỹ năng giải quyết vấn đề, bên cạnh đó đáng lưu tâm là mức độ hiểu biết pháp luật của người trẻ khá hạn chế

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm

Ông Báu cũng nhìn nhận: “Tất cả những hành vi phạm tội của người trẻ ngoài nguyên nhân mất kiểm soát, chưa đủ kỹ năng giải quyết vấn đề thì bên cạnh đó vấn đề đáng lưu tâm là mức độ hiểu biết pháp luật của các bạn khá hạn chế. Người trẻ thường không học kiến thức pháp luật qua những kênh chính thống mà rất dễ học những thói hư tật xấu từ cư dân mạng”.
Ông Báu phân tích từ vụ việc nhắc vượt đèn đỏ rồi rút dao đâm chết người, ta nên hỏi tại sao người trẻ đi ra đường lại mang theo dao? Vì ảnh hưởng từ mạng xã hội là ra đường có thể bị nguy hiểm nên thủ sẵn hung khí trong người, rồi khi không kiểm soát được bản thân dẫn đến những hành vi phạm pháp.
Theo bà Diệp, người trẻ bây giờ học luật như “đàn gảy tai trâu” vì các bạn chỉ nghe chứ chưa được nhìn thấy nên không sợ.
“Ở Mỹ, người ta có cách giáo dục pháp luật bằng cách đưa những tội phạm vị thành niên đến các trường học như là một hình phạt để các bạn đó nói lên những sai phạm của mình và đã phải chịu tội như thế nào, đau đớn ra sao... Để những đứa trẻ nhận ra rằng những người bạn đồng trang lứa với mình bị hình phạt như vậy thì mức độ sợ hãi sẽ tăng lên. Ở ta thì chỉ dạy là nếu anh vi phạm thế này thì sẽ bị phạt thế này thế kia, nghe mà không thấy thì cũng như không”, bà Diệp nhấn mạnh.

Đa dạng hóa hình thức giáo dục pháp luật

Người trẻ dễ bị kích động
Tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp cho rằng người trẻ dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là môi trường thế giới mở của internet, rồi tâm lý dễ bị kích động. Chỉ cần khích nhau và suy nghĩ đơn giản như bị khiêu khích mấy ngàn lượt thích sẽ đốt trường, đốt nhà, hay cưỡng hôn cô gái này... và những hiện tượng này xảy ra ngày càng nhiều. Hay hầu hết những hành vi đâm chém đều xuất phát từ người trẻ, chỉ cần ngồi trong bàn nhậu, trong quán cà phê rồi nhìn nhau với ánh mắt khó chịu, soi mói, hay không ưa nhau là vác dao ra đâm chém.
Bà Diệp cho rằng nên tăng cường vấn đề giáo dục pháp luật bằng cách đa dạng hóa các hình thức giáo dục. Hiện tại chúng ta chỉ có môn giáo dục công dân, nhưng đây lại là tiết học mà nhiều học sinh xem nhẹ; hay như môn pháp luật đại cương ở bậc đại học cũng vậy.
Bên cạnh đó phải quan tâm đến vấn đề tâm lý học đường, vì trẻ trong độ tuổi vị thành niên đang định hình tính cách, nếu được tư vấn tốt và phát hiện ra vấn đề sớm sẽ tốt hơn cho đứa trẻ, giúp giảm đi những hành vi phạm tội. Pháp luật chỉ mang tính trừng phạt khi chuyện đã rồi. Vì vậy cần phòng ngừa hơn là trừng phạt.
“Tôi thấy những bạn trẻ này đáng thương nhiều hơn là đáng trách, bản thân tôi đã từng nhiều lần bị những bạn trẻ thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật, phóng xe nhanh, vượt đèn đỏ rồi tông vào tôi. Nhưng thay vì trách, tôi thấy cuộc sống của những bạn trẻ này thật sự rất mong manh, nếu không bị vướng vào vòng lao lý thì rồi cũng sẽ có chuyện xảy ra với các bạn. Vì thế những nhóm đối tượng này nên được quan tâm nhiều hơn, vì trừng phạt chỉ mang tính tạm thời và không lấy lại được cuộc đời các bạn một cách bình thường được”, tiến sĩ Diệp chia sẻ.
Điều mà cả tiến sĩ Diệp và tiến sĩ Báu khuyên nên đặt lên hàng đầu chính là giáo dục gia đình. Vì theo 2 vị, giáo dục gia đình sẽ lèo lái đứa trẻ ngay từ nhỏ và là nền tảng để các bạn tiếp cận kiến thức pháp luật và các kỹ năng ngoài xã hội. Đối với những vụ việc liên quan đến người trẻ vi phạm pháp luật thì cần được xử lý nghiêm minh và được lan truyền rộng rãi để có tính răn đe với những người khác.
Cũng theo ông Báu, với bạn trẻ đừng là những người trẻ thiếu hiểu biết pháp luật, dẫn đến phải chịu tù tội, đánh mất tuổi thanh xuân của mình. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.