'Em đã tự làm được nước rửa chén hữu cơ'

Lê Thanh
Lê Thanh
30/10/2018 20:15 GMT+7

Sau khi được cô Trần Thị Thúy Nhàn, giảng viên của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, hướng dẫn, Nguyễn Thị Thu Uyên, sinh viên năm 3 của trường này khẳng định: 'Em đã tự làm được nước rửa chén hữu cơ'.

Rồi Thu Uyên cho biết: “Sau này em sẽ tự làm nước rửa chén để dùng và không mua nước rửa chén công nghiệp như từ trước đến nay nữa”.
Theo Thúy Nhàn, giảng viên Khoa Môi trường-Tài nguyên và Biến đổi khí hậu của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thật ra nước rửa chén làm rất đơn giản mà ai bất kỳ ai cũng có thể làm được.
“Bạn có thể mua 20 trái bồ hòn, sau đó ngâm vào 1 lít nước vo gạo để trong điều kiện thời tiết bình thường sau 20 ngày là chúng ta có một bình nước rửa chén khi sử dụng không hại da tay. Nếu muốn nước rửa chén có mùi thơm dễ chịu thì trong quá trình ngâm, bạn bỏ vào dung dịch ấy vài miếng vỏ dứa (thơm), một loại phế phẩm sau khi gọt lấy phần trong của quả dứa, phần bên ngoài vứt đi mà chúng ta thường thấy khi đi chợ”, cô Nhàn hướng dẫn.
Ở một góc khác, chúng tôi thấy Nguyễn Minh Phát, sinh viên Trường ĐH Kinh tế đang cưa những tấm ván phế phẩm chèn vào những chiếc vỏ xe cũ đã được sơn, vẽ để làm thành những chậu trồng cây xanh rất đẹp. “Mình muốn tận dụng những thứ phế phẩm này thiết kế thành những vật dụng hữu ích tặng lại cho những gia đình cần làm chậu trồng hoa và trồng rau xanh để góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh”, Phát nói.
Chậu trồng hoa và cây xanh được làm bằng vỏ xe cũ và ván phế liệu Ảnh: Lê Thanh
Bày ra một đống những loại quần áo cũ rồi phân công nhiệm vụ cho từng bạn trẻ phụ trách từng công đoạn. Có bạn thì vẽ thiết kế, có bạn thì đo, cắt, ráp... Võ Thị Ngọc Tuyền, cựu sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Tụi em đi xin những chiến quần, áo Jean mang đến đây để tận dụng vải Jean cũ để thiết kế thành những chiếc cặp đi học hoặc những chiếc giỏ xách xinh xắn. Tụi em làm việc này là muốn gửi đến bạn trẻ hãy biết tận dụng những thứ tưởng chừng chỉ bỏ đi để làm thành những vật dụng hữu ích...”.
Khu vực làm cặp và túi xách bằng vải quần, áo Jean cũ Ảnh: Lê Thanh
Không trực tiếp tham gia để làm ra những sản phẩm cụ thể nhưng Nguyễn Thị Kim Nhung, sinh viên của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dùng hoa tay của mình để góp công vẽ bức tranh thật lớn trên tường với chủ đề: “Hành trình đến lối sống sinh thái”.
Nhung bật mí: “Trên bức tranh này tụi mình vẽ những chủ đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu như: trồng nhiều cây xanh, không xả rác bừa bãi, sử dụng nước tiết kiệm, đi xe đạp, không sử dụng túi giấy thay cho việc sử dụng túi ni lông... để mọi người mỗi ngày nhìn vào thấy mình cần điều chỉnh những hành vi góp phần cho môi trường sống xung quanh tốt hơn”.
Vẽ tranh tuyên truyên bảo vệ môi trường Ảnh: Lê Thanh
Những nội dung và hoạt động bổ ích nêu trên nằm trong sự kiện Tuần lễ sinh thái - Eco-week 2018, diễn ra đến hết ngày 31.10, tại cơ sở của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (1A Hoàng Diệu, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) do Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường tổ chức, với sự tài trợ của Viện Rosa Luxemburg Stiftung khu vực Đông Nam Á.
Theo bạn Đinh Thúy Nga, điều phối viên của Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường, với chủ đề “Hành trình đến lối sống sinh thái”, Tuần lễ sinh thái - Eco-week 2018, nhằm thúc đẩy lồng ghép phương pháp tiếp cận sáng tạo của phong trào sinh thái ở các trường đại học thông qua những hoạt động cho sinh viên, góp phần bảo vệ môi trường.
Một số hình ảnh, hoạt động do bạn trẻ thực hiện góp phần bảo vệ môi trường:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.