Game Sử Hộ Vương: Kéo bạn trẻ đến với lịch sử hay cải biến quá đà?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
08/11/2018 13:45 GMT+7

Tạo hình nhân vật Hồ Xuân Hương nói riêng, game Sử Hộ Vương nói chung, đang 'gây bão' trong những ngày vừa qua nên được nhìn nhận như thế nào?

Việc phát triển dự án game thẻ bài Sử Hộ Vương là một câu chuyện dài, tốn rất nhiều thời gian, công sức, óc sáng tạo của nhóm phát triển. Tuy nhiên, là một game liên quan đến nhân vật lịch sử, lại có đối tượng tiếp cận phần nhiều ở lứa tuổi học sinh, vẫn cần có sự cẩn trọng trong việc tạo hình nhân vật làm sao cho phù hợp.

Một con đường dài

Ý tưởng về một trò chơi thẻ bài huyền sử Việt Nam được thai nghén bởi một ê kíp trẻ trung và có tìm hiểu nhiều về lịch sử: Phạm Vĩnh Lộc, Hồ Phương Thảo và Tạ Minh Tuấn - người từng được Forbes bình chọn là một trong những người trẻ dưới 30 tuổi thành công nhất châu Á. Cốt truyện được truyền cảm hứng từ những thần tích, truyền thuyết, những giai thoại hào hùng xuyên suốt dòng lịch sử hơn 4.000 năm được kể lại dưới góc nhìn hiện đại, mang hơi thở trẻ trung.


Ngày 1.1.2018, fanpage Sử Hộ Vương được mở, bắt đầu giới thiệu hệ thống nhân vật. Đó là Nguyễn Huệ, Lạc Long Quân, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, vua Gia Long... Những người thực hiện hy vọng sẽ đánh thức tình yêu sử Việt khi tái hiện những nhân vật lịch sử trong quân sự, thi ca nhạc họa Việt Nam như dưới dạng những nhân vật thẻ bài phong phú, bắt mắt cùng hệ thống kỹ năng độc đáo.

Mới đây, Sử Hộ Vương đã ra mắt trên Comicola, một trang gây quỹ cộng đồng lớn, và khởi động quá trình kêu gọi vốn đầu tiên của dự án với mục tiêu đạt mốc 250 triệu đồng. Chỉ trong vòng 24 giờ, dự án kêu gọi được 25,6 triệu đồng, và nhận được sự xác nhận của Comicola là "Dự án có tốc độ Crowdfunding nhanh nhất trong 24 giờ đầu tiên". Hiện tại, game này đã nhận được ủng hộ hơn 59 triệu đồng.

Tuy nhiên, bắt đầu từ khi giới thiệu hệ thống nhân vật, việc tạo hình nhân vật liên tục gây ra những tranh cãi từ hai phía. Đỉnh điểm nhất là tạo hình Hồ Xuân Hương với hình ảnh táo bạo, làm bùng nổ tranh cãi trong những ngày gần đây.

Nhưng ít ai biết, lùi thời gian xa hơn nữa, dự án game này đã từng được trình bày trong cuộc thi Redbull - Chinh phục ước mơ. MC Tùng Leo, facebooker nổi tiếng đồng thời là nhà sản xuất chương trình, nhà văn, cho biết: “Tôi biết hai bạn trong nhóm làm dự án này thông qua qua chương trình Redbull - chinh phục ước mơ. Đây là chương trình dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp trình bày ý tưởng để nhận được tài trợ phát triển dự án nếu thắng cuộc. Tôi là người đã đề nghị các bạn xem lại nét vẽ của mình. Các bạn bức xúc lắm, cho rằng thế hệ cũ không thông cảm và hiểu cho thế hệ mới. Thật ra, tôi trân trọng tâm huyết hướng về lịch sử của các bạn. Nhưng các bạn còn trẻ, còn chưa suy xét rõ mọi thứ, lại không có được sự định hướng từ người lớn. Vì vậy, các bạn trượt trên cái cho là đúng của mình”.

Theo MC Tùng Leo, nhóm bạn trẻ vẽ Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt... đều theo cách vẽ Nhật và anh thật sự “sốc” với hình ảnh của Hồ Xuân Hương. Tùng Leo cho rằng trong khi điện ảnh, sân khấu làm sai nguyên tác, phỏng tác lịch sử bị cấm, thì việc đưa chuyện diễm tình vào lời của Lê Lợi, vua Quang Trung, ăn mặc phản cảm cũng không ổn. Anh cho biết mình rất trân trọng mong muốn đưa lịch sử đến gần với mọi người của các em. Các em không sai. Chỉ là cần thêm thời gian và sự kiên nhẫn, cầu thị để tiến bộ.

Cũng là giám khảo cuộc thi, ông Lý Nguyên Khương, Giám đốc Marketing vùng Đông Nam Á của Redbull, nhận xét: “Các bạn không thể thay đổi lịch sử theo cách người khác muốn nghe, người khác muốn xem. Lịch sử là lịch sử. Cho dù bạn không thích, cho dù bạn không thể đón nhận, cho dù bạn cảm thấy khô khan, nhưng đó là lịch sử”.

Tạo hình nhân vật Hồ Xuân Hương đang gây tranh cãi Ảnh: Han Kira - MGPham
Sáng tạo có cần giới hạn?

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, Phạm Vĩnh Lộc, một trong những người chủ trì dự án cho biết nhóm hy vọng những nhân vật hư cấu này được cộng đồng yêu thích, từ đó họ tò mò hơn về người thật để tìm hiểu chính sử. Sự thật đã có một số bạn trẻ nhắn tin với nhóm như vậy.

Trong dòng tranh cãi, cũng có rất nhiều người lên tiếng ủng hộ tạo hình các nhân vật, thậm chí là hình ảnh thẻ bài nhân vật Hồ Xuân Hương.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng đây là game, nhóm thực hiện đang có các ý tưởng vui, sáng tạo, làm sống lại các nhân vật lịch sử trong hoàn cảnh fantasy. Hình tượng các nhân vật lịch sử cũng được thay đổi theo cách nhìn của mỗi nhà làm phim, của hậu thế là bình thường. Không có gì phải quá căng thẳng. Đây cũng chỉ là một dự án game. Nếu sai pháp luật, người bị ảnh hưởng có thể kiện ra tòa. Còn dư luận thì nên thụ hưởng sự sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. Sáng tạo thường gai góc, không dễ dàng được chấp nhận.

Nhưng nhiều người làm nghề liên quan đến lịch sử lại có cái nhìn khá khắt khe về sự sáng tạo này.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, đánh giá: “Có lẽ các bạn chưa hiểu, thậm chí, chưa biết nhiều, biết rõ về các nhân vật lịch sử Việt Nam nên chưa cảm thụ được tinh thần của các nhân vật ấy. Những người vẽ nhân vật game thiếu trầm trọng bản lĩnh sáng tác. Do đó, không thể tạo ra được một (hoặc nhiều nhân vật) mang bản sắc riêng của game Việt. Mà ta có thể thấy rõ ràng sự sao chép từ các nhân vật game hoặc các nhân vật trong phim hoạt hình nước ngoài. Khả năng cảm thụ thẩm mỹ (của cả người vẽ lẫn người chơi game) chính vì thế sẽ hạn chế. Chưa định chuẩn mực như thế nào là đẹp và phù hợp văn hóa”.

Đạo diễn Phát cho biết mình hoạt động sân khấu, làm một vở kịch lịch sử phải cân nhắc đến từng chi tiết phục trang, từng câu thoại, từng tình tiết thực sử hay chính sử mà quyết định nên hay không nên thể hiện thành hình tượng sân khấu. Sai là bị phạt ngay lập tức. Vậy thì game là gì mà có quyền cải biến đến như vậy?

“Sáng tạo là tốt. Nhưng người sáng tạo phải luôn ý thức được điểm dừng cho mình. Thật ra, nhân vật trong game thì chắc chắn không thoát khỏi phong cách manga hay fantasy. Phải thừa nhận các nhân vật của game này vẽ đẹp. Một vài nhân vật có thể chấp nhận với phong cách game (Bà Trưng, Nguyễn Nhạc)... Nhưng kiểu vẽ Hồ Xuân Hương, Quang Trung, Gia Long... thì không ổn về mặt tạo hình và phục trang. Nhất là nhiều nhân vật nhìn vào hoàn toàn không ra chất Việt. Nếu nhóm tác giả cầu thị để chỉnh sửa thì không vấn đề gì. Nhưng nếu cứ khăng khăng bảo lưu ý kiến thì sẽ rất khó. Giới làm game thì sẽ có cái nhìn thoáng hơn trong việc này. Người làm văn hóa nghệ thuật thì chắc chắn sẽ nghiêm khắc hơn. Sẽ tốt nếu dung hòa được cả hai phía, để làm sao, có một game trên nền tảng sử Việt ra đời, vừa thỏa mãn tính hấp dẫn cho người chơi game, vừa đáp ứng tính văn hóa và hình tượng Việt”, ông Phát cho biết.

GS Trương Nguyện Thành, ĐH Utah (Mỹ), người hay chia sẻ về sáng tạo với sinh viên, nổi danh với việc mặc quần đùi để giảng về sáng tạo, cho rằng sáng tạo thì không có điểm dừng. Nhưng điểm dừng là ở ảnh hưởng của nó đến an toàn hay cuộc sống của người khác. Có thể sáng tạo một sản phẩm táo bạo nhưng nếu để trong nhà để dùng thì không có giới hạn gì. Tuy nhiên, nếu sản phẩm để trong nhà mà có nguy cơ đến cuộc sống của hàng xóm thì có vấn đề.

GS Trương Nguyện Thành cũng cho biết sản phẩm gì cũng có đối tượng người dùng. Vấn đề là sản phẩm có ảnh hưởng gì đến phát triển văn hóa của đối tượng người dùng không. Ở Mỹ, phim có xếp loại G, PG 13, R để cảnh báo nội dung của phim phù hợp với đối tượng nào. Nếu game này có thể có ảnh hưởng đến người dùng lứa tuổi nào đó thì cũng cần xem xét chuyện này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.