Thầy giáo mang quân hàm xanh
Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh Lê Văn Cường (Quảng Trị) nhận nhiệm vụ công tác tại Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị. Công tác được 1 năm, khi nghe tin có đợt tăng cường quân số cho các tỉnh phía nam, anh Cường đã mạnh dạn viết đơn tình nguyện. Cuối cùng anh được điều động vào Nam, nhận công tác tại Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức (tỉnh Long An) và bén duyên với lớp học tình thương.
Tại địa bàn anh công tác có nhiều gia đình công nhân từ các tỉnh miền Tây lên sinh sống, vì gia cảnh khó khăn đồng thời là dân nhập cư, sống tạm bợ nên họ không có hộ khẩu, giấy tờ để con em được đến trường như bạn bè đồng trang lứa. Hằng ngày các em phải đi bán vé số dạo hay phụ bán hàng ở chợ. Thấy được hoàn cảnh đó, các chiến sĩ biên phòng đã quyết định mở lớp học tình thương giúp các em nơi đây.
tin liên quan
Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc: Con nuôi của đồn biên phòngNhận trẻ mồ côi về nuôi dưỡng, cấp học bổng hằng tháng cho học sinh nghèo... là chương trình 'Nâng bước em đến trường' nhằm hỗ trợ trẻ em đặc biệt khó khăn ở các vùng biên giới.
“Ngày đầu đứng lớp tôi rất run, không biết phải làm thế nào vì chưa bao giờ cầm phấn dạy học, cũng như chưa từng nghĩ đến một ngày mình sẽ là “thầy giáo mang quân hàm xanh”. Sau một thời gian, tôi cũng quen dần với việc đứng lớp để dạy, để chia sẻ cùng các em. Không những thế, qua thời gian giảng dạy, tiếp xúc tôi càng hiểu và đồng cảm hơn với những hoàn cảnh khó khăn của các em”, anh Cường nhớ lại.
|
Dạy tiếng mẹ đẻ cho con em Việt kiều
Lần theo danh tiếng của người lính biên phòng hơn 20 năm gieo chữ ở vùng biên, chúng tôi đến Đồn biên phòng Bến Phố (Vĩnh Hưng, Long An) gặp thiếu tá Nguyễn Văn Chính, người đi đến đâu cũng được người già và trẻ nhỏ gọi to bằng 3 từ “thầy giáo Chính”.
Bắt đầu con đường gieo chữ từ năm 1996, đến nay nhiều thế hệ học trò từ lớp học tình thương do thiếu tá Chính đứng lớp đã trưởng thành và thành đạt. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, không chỉ xóa mù chữ, thầy Chính còn mở 7 lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho con em Việt kiều Campuchia hồi hương.
Bình thường, đối với những thầy giáo “không chuyên”, dạy chữ cho các em đã khó, dạy những trẻ Việt kiều lại càng gian nan hơn bởi có nhiều em không biết nói tiếng mẹ đẻ.
Lớp học mở tại Trường tiểu học ấp 2, xã Hưng Điền A, cách đồn biên phòng gần 10 km nên mới tờ mờ sáng thiếu tá Chính đã chạy xe đến lớp học, tối về lại đơn vị. Thế nhưng thiếu tá Chính vẫn cho rằng: “Bây giờ thế là sướng rồi. Ngày xưa chưa có đường, mỗi ngày đến trường bằng xuồng nên chúng tôi phải xin ở lại nhà dân để duy trì việc đứng lớp”.
tin liên quan
Nghĩa cử của lính biên phòngNuôi người già neo đơn; nuôi con của tội phạm đi tù để họ an tâm cải tạo; giúp đỡ học sinh nghèo được đến trường... là nghĩa cử của những người lính trẻ mang quân hàm xanh ở vùng biên giới xã Đăk Xú, H.Ngọc Hồi (Kon Tum) nhiều năm nay.
|
Cũng cùng con đường gieo chữ cho con em Việt kiều nghèo hồi hương, chiến sĩ Huỳnh Hoàng Tam (Đồn biên phòng Tuyên Bình, Long An) mới nhận nhiệm vụ được hơn một năm nhưng đã nhận giữ vai trò đứng lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho các em.
“Học sinh là con em Việt kiều Campuchia, hầu hết đều không biết đọc, viết tiếng Việt nên rất khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng. Vì thế, được đứng lớp giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho các em, với tôi vừa là nhiệm vụ vừa là vinh dự, niềm hạnh phúc của người lính biên phòng”, anh Tam chia sẻ.
Vì đều là Việt kiều nghèo, trở về nước không giấy tờ tùy thân, không đất đai, không nghề nghiệp, sống tạm bợ trên những căn chòi rách nát, nên con em của họ suốt ngày dãi nắng dầm mưa đi bán vé số, cắt lục bình phơi khô bán kiếm tiền, đến lớp thì ngày được ngày mất. Hằng ngày ngoài việc đứng lớp giảng dạy, anh Tam còn đến từng nhà hỏi han, nghe tâm tư của các em để hiểu hơn và động viên các em đến lớp đầy đủ.
Dù mới nhận nhiệm vụ nhưng anh Tam đã vận động được 14 hộ với 26 em, cùng 12 cháu bỏ học giữa chừng tiếp tục đến lớp. Anh Tam nói: “Các em đều có ước mơ, hoài bão. Em thì mơ thành bác sĩ, em lại muốn làm thầy giáo quân hàm xanh giống mình... Vì vậy mình sẽ luôn theo sát các em, ít nhất cũng cho các em được con chữ để bước vào đời bớt thua thiệt hơn”.
|
Bình luận (0)