Hành trình cô gái bất ngờ dương tính với Covid-19 trở lại âm tính

Phạm Hữu
Phạm Hữu
30/07/2021 17:55 GMT+7

Trong 100 người có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ duy nhất Nguyễn Thị Ngọc Nữ dương tính với Covid-19 , khiến nữ sinh viên lo lắng. Tuy nhiên, sự bình tĩnh và lạc quan về sau giúp cô gái chiến thắng Covid -19.

Dù chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn bối rối

Trước đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, Nguyễn Ngọc Nữ, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM về quê ở ấp 3, xã Tam Hiệp, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để tránh dịch.
Cách đây 1 tháng, khu vực nữ sinh viên 20 tuổi sinh sống ở xã Tam Hiệp là nơi bùng phát dịch Covid-19. “Gia đình em kinh doanh buôn bán ở gần chợ Bưng. Nơi cung ứng hàng hóa cho gia đình là một tiệm tạp hóa. Con của chủ tiệm tạp hóa là bạn của em, khi giao đồ qua nhà tiếp xúc gần nên em bị lây nhiễm Covid-19”, Nữ kể lại.

Hình ảnh những ngày Ngọc Nữ chữa trị ở bệnh viện dã chiến

Tối hôm đó khi nghe tin gia đình nhà bạn có ca nhiễm, Nữ cố gắng giữ bình tĩnh, tắt điện thoại và đi ngủ sớm để hôm sau đến bệnh viện làm xét nghiệm. Cô chuẩn bị sẵn tinh thần cho tình huống xấu xảy ra, soạn sẵn quần áo, các vật dụng cần thiết và chạy xe máy một mình đến bệnh viện .
“Em đợi từ 10 giờ 30 đến 15 giờ 30 mới có kết quả. Cuối cùng, em dương tính với Covid-19. Gần 100 người ở khu vực xét nghiệm chỉ có mình em có kết quả đó. Lúc đó em buồn, bối rối vì mọi ánh mắt đều đổ dồn về em”, Nữ kể lại.
Sau đó, cô được chuyển đến bệnh viện dã chiến số 1 cơ sở 2 thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Nữ nói: “Khi em báo tin về cho gia đình, mọi người cũng rất lo lắng và hoang mang, tuy nhiên mọi người đã trấn an, cùng nhau giữ bình tĩnh vì trước đó cũng đã tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa khi trong nhà có F0”.

Theo Nữ, ăn uống đầy đủ dưởng chất rất quan trọng để chống chọi với dịch bệnh

Dù nữ sinh viên cảm thấy rất sốc và lo sợ nhưng cô tự trấn an lấy lại bình tĩnh để chống chọi Covid-19. Trong những ngày đầu, Nữ có các triệu chứng như: sốt nhẹ, đau đầu, nghẹt mũi, ho khan và khó thở. Các triệu chứng này hết dần sau đó.
Tuy vậy, điều đáng lo nhất là triệu chứng ho khan và khó thở. Đôi khi cô thở nhẹ cũng bị ho, nằm xuống cũng cảm thấy hơi thở rất khó khăn. May mắn, sau 4 ngày đầu, cô dần khỏe lại và các triệu chứng cũng dần biến mất.

Ngày 30.7: Cả nước 8.649 ca Covid-19, 3.704 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.282 bệnh nhân

Bình tĩnh, lạc quan sẽ chiến thắng dịch bệnh

Thời gian ở bệnh viện, Nữ cố gắng ăn ngủ điều độ, tự rèn luyện và nâng cao sức khỏe. “Về mặt thể chất thì em ăn uống đầy đủ và ngủ đúng giờ. Em cung cấp thêm vitamin C cho cơ thể bằng thuốc và trái cây. Ngoài ra, còn dậy sớm tập thể dục, tập hít thở sâu, phơi nắng sáng, xịt khử khuẩn và rửa tay bằng xà phòng thường xuyên", nữ sinh viên kể lại.
Các bác sĩ, tình nguyện viên nhiệt tình động viên và hỗ trợ nữ sinh viên. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân ngày càng đông, các y bác sĩ đôi khi không thể giúp đỡ tất cả bệnh nhân nên Nữ hết sức thông cảm và cố gắng tự làm thay vì yêu cầu hỗ trợ. "Những lúc có triệu chứng bệnh em sẽ uống thuốc mà em tự trang bị hoặc em sẽ xin thuốc từ bác sĩ. Những khi khó thở thì em sẽ kê gối cao, ngồi hít thở thật sâu đến khi thấy ổn hơn”, Nữ kể lại giai đoạn chiến đấu với dịch Covid-19.
Nữ nói thêm, việc đi cách ly, chữa trị Covid-19 không quá khó khăn và sợ hãi như mọi người nghĩ. Ở bệnh viện, cô cảm nhận sự thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ nhau  của mọi người để vượt qua dịch bệnh. Do đó, nữ sinh viên cho rằng người mắc Covid-19 cần phải giữ tinh thần thoải mái, lạc quan để giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể sớm chống lại căn bệnh này.

Nữ cho rằng cần phải giữ được tinh thần lạc quan mới mau chóng bình phục

Ngoài ra, cô còn áp dụng biện pháp xông mũi, họng bằng chanh, sả, gừng. Cô đun sôi bằng ấm đun siêu tốc, cho vài giọt dầu xanh vào và đổ ra ly trùm mền lại xông. Nữ cũng thường xuyên vệ sinh vùng họng bằng cách khò nước muối ấm nhiều lần trong ngày, nhỏ nước muối vào mũi và hỉ sạch dịch mũi, uống nhiều nước. Theo Nữ, dù chưa được chứng minh về khoa học nhưng những điều này đã giúp bệnh tình Nữ thuyên giảm và gia đình không ai trở thành F0.
Sau 19 ngày ở bệnh viện dã chiến, cô được thông báo xuất viện sau 4 lần xét nghiệm. “Cảm xúc của em lúc được đọc tên xuất viện giống như khi mình đậu đại học lần nữa vậy”, Nữ vui mừng chia sẻ.
Khi có người xuất viện, cả phòng, cả tầng lầu và cả dãy nhà đều hòa chung niềm vui, họ tặng lại nhau những trái cam, hộp sữa ngày chia tay…
Theo Nữ, tình cảm giữa bệnh nhân với bác sĩ và ngược lại cũng rất đáng trân trọng, mọi người đều hiểu và thông cảm cho nhau, niềm nở với nhau và sẵn sàng hỗ trợ khi bệnh nhân cần. 
Điều Nữ mong mỏi nhất hiện nay là dịch trên cả nước nói chung sẽ mau chóng được khống chế để cuộc sống quay trở lại bình thường. Sau khi hoàn thành cách ly tại nhà, cô cũng muốn đóng góp  cho công tác phòng chống dịch ở địa phương để trả ơn những gì cuộc sống đã mang đến khi không may dương tính với Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.