Theo CNBC, khóa học phổ biến nhất Đại học Yale kéo dài 10 tuần, có tên "Khoa học về Sức khỏe”, do giáo sư tâm lý học và khoa học nhận thức Laurie Santos giảng dạy. Hàng trăm người học qua khóa này cho hay cuộc sống của họ có cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn.
Bà Santos bắt đầu khóa học bằng cách nhắc đến lý do vì sao điều mà chúng ta mong muốn trong cuộc sống không thực sự giúp chúng ta hạnh phúc. “Thủ phạm” của thực tế này là hiện tượng “mong muốn sai lầm”, hay là khi con người “đánh giá sai” về mức độ họ thưởng thức một thứ gì đó trong tương lai.
Giáo sư Đại học Yale cho rằng nhiều mục tiêu vật chất mà con người lập ra và cố theo đuổi không có sức ảnh hưởng lâu dài đến sự hài lòng với cuộc sống nói chung. Một trong các mục tiêu này là tiền bạc.
Bà Santos dẫn nghiên cứu nổi tiếng do Đại học Princeton thực hiện năm 2010. Các nhà nghiên cứu phân tích phần trả lời của 450.000 người Mỹ trong khảo sát về thu nhập và cuộc sống của họ. Dữ liệu cho thấy mức độ hạnh phúc có gia tăng cùng thu nhập cá nhân, nhưng mối tương quan giữa hai yếu tố này không còn nữa khi thu nhập một người đạt đến 75.000 USD.
Nghiên cứu trên khá cũ khi được công bố cách đây gần một thập niên. Từ đó đến nay, nhiều nghiên cứu khác bác bỏ ý tưởng cho rằng “tiền không mua được hạnh phúc”. Đơn cử, khảo sát Wealth Sentiment Monitor do Skandia International thực hiện cho thấy mức “thu nhập hạnh phúc” trên toàn cầu lên đến 160.000 USD. Nghiên cứu năm 2018 của Đại học Harvard thì cho hay “nhiều của cải hơn đồng nghĩa với hạnh phúc lớn hơn”. Đặc biệt, mức độ tài sản cao từ 8 triệu USD trở lên có liên quan đến mức hạnh phúc cao hơn.
Giáo sư Santos không bác bỏ kết luận của những nghiên cứu trên song cho hay: “Các nghiên cứu quan trọng nhưng không làm thay đổi thông điệp của lớp học là tài sản có ảnh hưởng rất nhỏ lên hạnh phúc. Tiền không giúp chúng ta hạnh phúc hơn theo cách mà chúng ta nghĩ. Tâm trí đang nói dối với chúng ta về độ ảnh hưởng của tài sản lên hạnh phúc cá nhân”. Theo bà, lòng biết ơn, kết nối xã hội và các hoạt động như thiền định ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe, hạnh phúc của con người.
Tuy vậy, giáo sư có lưu ý về cách chúng ta sử dụng tiền. Elizabeth Dunn, tác giả quyển Happy Money và là người được mời đến chia sẻ tại lớp học, cho rằng cách tiêu tiền sẽ cho ta trải nghiệm và kinh nghiệm. Đơn cử, một người chi tiền mua xe mới, song chính cảm giác họ có khi lái xe, tận hưởng âm nhạc và đường sá mới là yếu tố khiến họ hạnh phúc.
Vì điểm này, lớp học kết luận rằng tiền có thể mang lại cho người ta một phần hạnh phúc nếu nó được dùng để mua những thứ tạo ra trải nghiệm tích cực lặp đi lặp lại. Ví dụ, một người có thể hạnh phúc hơn nếu cư xử tử tế, dành thêm thời gian cho bạn bè, gia đình thay vì làm việc vào cuối tuần.
“Nếu bạn sống ở Mỹ và chỉ kiếm được 10.000 USD/năm (trong khi thu nhập trung bình hộ gia đình vào tầm 45.000 USD/năm) thì nhiều tiền hơn sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn. Song với đại đa số, tiền bạc không khiến chúng ta hạnh phúc hơn”, bà Santos nói.
Bình luận (0)