Học trò sáng chế thiết bị cảnh báo người cố tình vượt đèn đỏ

08/05/2017 10:18 GMT+7

Hai bạn trẻ Phạm Minh Hiếu và Trần Thế Vinh đã chế tạo một thiết bị hạn chế hành vi của người cố tình vượt đèn đỏ hoặc dừng không đúng nơi quy định

Không phải đợi đến lúc là sinh viên của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Minh Hiếu và Thế Vinh mới sáng tạo ra thiết bị này, mà sản phẩm đã được nghiên cứu thành công khi hai bạn còn học lớp 12A10 của Trường THPT Vĩnh Kim, xã Đông Hòa, H.Châu Thành (Tiền Giang).
Thiết bị đã đoạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia vào tháng 3.2016 dành cho học sinh trung học khu vực phía nam.
Thế Vinh nhớ lại: “Tụi em bắt đầu nghiên cứu sản xuất thiết bị này từ tháng 10.2015 và mất 5 tháng để hoàn thành sản phẩm, vì phải thử đi thử lại nhiều lần thật hoàn chỉnh mới dám mang đi dự thi ở cấp quốc gia”.
Về ý tưởng để sáng tạo thiết bị, Minh Hiếu nói: “Vượt đèn đỏ là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông. Vì thế chúng em sáng tạo ra thiết bị này để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông”.
Minh Hiếu mô tả thiết bị: “Giải pháp của chúng em là sử dụng mạch điều khiển điện tử sử dụng quang trở. Thiết bị gồm có ba phần: Phần phát tín hiệu là một đèn laser có nhiệm vụ phát tia sáng truyền tín hiệu đến đầu nhận ở phần thu. Phần thu là một cảm biến sử dụng quang trở có nhiệm vụ nhận tín hiệu từ phần phát và điều khiển hoạt động của phần cảnh báo. Nếu tia sáng bị chặn lại do các phương tiện giao thông vượt qua vạch sơn cho phép thì thiết bị sẽ phát tín hiệu cảnh báo. Bộ phận cảnh báo là hệ thống chuông, có đèn nhấp nháy và bảng đèn LED chạy chữ với nội dung nhắc nhở bằng giọng nói: “Bạn đã đậu quá vạch sơn, vui lòng lùi lại”.
Mục đích sử dụng đèn nhấp nháy là để thu hút sự chú ý của người vi phạm và phòng hờ trường hợp người vi phạm ngồi trong ô tô không nghe được tiếng tín hiệu cảnh báo bên ngoài. Còn nếu ai đó cố ý vượt đèn đỏ, thiết bị sẽ chụp ảnh và lưu lại”.
Theo Thế Vinh, sau khi hoàn thiện sản phẩm, các bạn đã mang thiết bị đi thử nghiệm tại một số ngã tư ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và được đánh giá cao. Nguồn năng lượng cho thiết bị sẽ dùng chung nguồn điện tại các trụ đèn tín hiệu giao thông để tạo sự nhịp nhàng, đảm bảo khi đèn giao thông hoạt động thì thiết bị cùng lúc hoạt động theo.
“Hiện tại sản phẩm mẫu đã hoàn thiện. Giờ tụi em mong muốn có nhà đầu tư kết hợp để sản xuất thiết bị đại trà, từ đó phối hợp với các ngành chức năng triển khai trong thực tế nhằm góp phần giải quyết một số vấn nạn giao thông tồn tại lâu nay”, Thế Vinh kỳ vọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.