Hũ gạo dân quân tự vệ

18/11/2017 09:28 GMT+7

Mỗi ngày cán bộ chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự Q.4 (TP.HCM) góp một phần gạo trong tiêu chuẩn ăn của mình vào hũ gạo dân quân tự vệ để giúp đỡ các chiến sĩ dân quân gặp khó khăn.

Đó là sáng kiến của đại úy Trần Quang Tích (34 tuổi), công tác ở Ban Tham mưu thuộc Ban Chỉ huy quân sự (BCHQS) Q.4, khi anh nỗ lực, góp sức mình trong việc xây dựng, duy trì mô hình “Hũ gạo dân quân tự vệ” trong 5 năm qua.
Hơn 1.000 kg gạo quyên góp 
Anh Tích học Trường Sĩ quan lục quân 2. Năm 2006, anh về công tác ở BCHQS Q.4. Năm 2013, khi anh Tích mới hình thành ý tưởng về mô hình “Hũ gạo dân quân tự vệ”, lãnh đạo BCHQS ra điều kiện phải làm thử để không ảnh hưởng đến bữa ăn của mọi người. Sau một thời gian áp dụng, thấy đây là hoạt động thiết thực, nên không chỉ đoàn viên thanh niên mà các cán bộ chiến sĩ trong BCHQS cũng hưởng ứng tích cực.
Anh Tích cho biết: “Hiện nay tiêu chuẩn 1 người được 700 gr/ngày, anh em trong đơn vị góp mỗi người một ít để dành vào thùng gạo được gần 2 kg/ngày. Hằng tháng, ban chấp hành chi đoàn chọn các dân quân tự vệ có hoàn cảnh khó khăn nhất, phát cho mỗi người 20 kg gạo. Cứ duy trì như vậy, gần 5 năm qua, thùng gạo góp được hơn 1.000 kg”.

tin liên quan

Trung tá mê... đồ ăn sẵn!
Ở Viện Nghiên cứu ứng dụng quân nhu (Tổng cục Hậu cần), mọi người thường gọi khẩu phần chế biến sẵn là 'đồ ăn sẵn'.
Đại úy Trần Quang Tích hiện là Bí thư Chi đoàn BCHQS Q.4. Không chỉ đề ra sáng kiến mô hình “Hũ gạo dân quân tự vệ”, anh Tích còn thực hiện nhiều mô hình có ý nghĩa, thiết thực khác như: “Ngôi nhà dân quân tự vệ”, “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”... Với các mô hình này, anh Tích kêu gọi đoàn viên thanh niên tiết kiệm điện, nước khi không sử dụng, sinh hoạt. “Tôi cũng kêu gọi mọi người lấy sách báo cũ, chai nhựa, vật dụng không sử dụng nữa để bán, gây quỹ cho “Ngôi nhà dân quân tự vệ”. Quỹ này dùng hỗ trợ đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn sửa hoặc xây nhà, giúp đỡ khi đau ốm”, anh Tích cho hay.
Tình đồng đội
Hỏi về những dân quân được chia sẻ khó khăn từ mô hình “Ngôi nhà dân quân tự vệ”, đại úy Tích nhớ lại câu chuyện của H.C.L (22 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Ba mẹ ly thân nên từ nhỏ L. phải sống với bà ngoại đã ngoài 80 tuổi, hầu như mọi chi phí trong gia đình đều do L. gánh vác. Căn nhà của L. nhỏ, trần ẩm thấp, mốc meo, mỗi trận mưa to là nước tràn vào nhà. Anh Tích bàn với anh em trong chi đoàn, trích quỹ “Ngôi nhà dân quân tự vệ” để sửa nhà cho L., đồng thời nhiều lần tặng gạo cho gia đình L.

tin liên quan

Cứu dân đâu cần kể lể
'Việc cứu dân là lời thề danh dự của mỗi quân nhân, đâu cần phải khoe khoang, kể lể?', trung tá Đào Phú Đồng, trợ lý Ban Hành chính - Hậu cần Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần), tâm sự.
Hay trường hợp của Q. (ở P.5, Q.4), cũng sống trong căn nhà chỉ 12 m2, ẩm thấp, nằm ngay mé sông. Ba tật nguyền, mẹ đi làm thuê. “Q. đi học được một thời gian thì nghỉ vì gia đình không có tiền. Ban đầu mới gia nhập lực lượng dân quân tự vệ, Q. rất hăng hái. Một thời gian sau, Q. hay buồn, hỏi ra mới biết Q. khi nào cũng thấy đau trong người. Vì gia đình quá khó khăn nên Q. không đi khám bệnh. Lúc này cơ quan hỗ trợ mua bảo hiểm, giới thiệu đi khám bệnh mới phát hiện Q. bị ung thư phổi. Hằng tháng BCHQS trích một phần trong quỹ của các mô hình ở để giúp Q. điều trị bệnh nhưng sau một thời gian ngắn thì Q. ra đi”, anh Tích nhớ lại.
Thượng tá Vũ Trọng Khanh, Chính trị viên BCHQS Q.4, đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, nhiệt huyết của đại úy Tích. “Hũ gạo dân quân tự vệ” cùng những mô hình khác đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giúp đỡ các gia đình chiến sĩ dân quân có hoàn cảnh khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.