Thèm được nói chuyện với bố mẹ
H.N.K, học sinh (HS) lớp 7 Trường THCS - THPT Hồng Đức (TP.HCM), tâm sự: “Em hay tham gia các nhóm trên Facebook vì ở đó em có thể tìm thấy những sự đồng cảm từ các thành viên khác. Em có thể nói chuyện với họ suốt đêm, một cách thoải mái. Mà những điều đó em không có được khi nói chuyện với bố mẹ”.
K. kể thêm: “Bố mẹ bận bịu suốt ngày, có khi ở cùng nhà nhưng hai, ba ngày em mới thấy mặt. Những lúc em nhờ bố chỉ bài, hay nhờ mẹ khâu áo, mà lỡ bố mẹ đang bận là nạt nộ. Em cảm thấy sợ, rồi dần dần em không dám nói chuyện với bố mẹ”.
tin liên quan
Khi người trẻ cô đơnTrong nhóm K.C.Q (14+) trên Facebook, D. là một thành viên sôi nổi. Ở hầu hết các chia sẻ của mọi người, D. đều tham gia bình luận, cho những lời khuyên, an ủi. Thế nhưng ngoài đời, D. kể thật, là rất hiếm khi nói chuyện với bố mẹ. “Vì nhiều lý do, vì bố mẹ hay đi làm, vì bố hay nổi cơn thịnh nộ, la mắng, mình cũng hay khắc khẩu với mẹ. Nhiều lần chủ động hỏi han bố mẹ khi đi làm về, nhưng bố mẹ đang mệt đã cáu gắt, dửng dưng ngó lơ”, D. tâm sự.
Cũng vì cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, thế nên gặp những trở ngại trong cuộc sống, những thắc mắc trong mọi vấn đề, họ lại tìm đến những nhóm kín trên mạng xã hội để trải lòng. Không ít câu chuyện, chia sẻ của người trẻ là những vấn đề về tâm sinh lý, cơ thể phát triển dần lên, câu chuyện nhạy cảm, tế nhị về giới tính như: “ngày đèn đỏ”, chuyện tình dục…
|
Để người trẻ không cô đơn
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống - giá trị sống TP.HCM, cho biết đã từng nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi của HS. Đa phần là than vãn, oán trách, kể tội bố mẹ khi không được bố mẹ quan tâm, và sau đó chọn cách “bỏ nhà ra đi”.
tin liên quan
Khi người trẻ cô đơn: 'Cái bóng' của cha mẹCũng theo chuyên gia tâm lý này, khi người trẻ cô đơn, mà nguyên nhân chính vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ, sẽ khiến họ cảm thấy bất cần. Điều đó dẫn đến mâu thuẫn gia đình càng trầm trọng, nhiều hơn, khoảng cách của bố mẹ và con cái sẽ lớn hơn. Chưa kể người trẻ sẽ trở nên lạnh lùng, vô cảm với mọi thứ. Họ có xu hướng muốn buông xuôi mọi điều, cả trong cuộc sống lẫn chuyện học.
Bà Lê Thị Sơn, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đồng Nai), trăn trở vì thường xuyên bắt gặp những HS buồn bã. Khi hỏi chuyện mới biết được do mâu thuẫn với bố mẹ, do cảm thấy cô đơn, không được ai quan tâm. “Để ý thấy, phần lớn những HS cảm thấy cô đơn là những HS con nhà khá giả. Có lẽ vì bố mẹ ít quan tâm, nên thường rơi vào tình cảnh ấy”, bà Sơn nói thêm. Theo bà, không chỉ phụ huynh mà cả giáo viên cần quan tâm nhiều hơn đến HS. Giáo viên cần sự tinh tế để nhận ra HS nào đang có những chuyện “trục trặc” trong cuộc sống. Như nhìn thấy HS nào hay buồn, ít tham gia các hoạt động của lớp, không nói chuyện, hay trầm ngâm suy nghĩ… thì phải tìm cách giúp đỡ, phối hợp với tháo gỡ.
Bố mẹ phải quan tâm con cái nhiều hơn
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), nói: “Bố mẹ bỏ bê và thiếu quan tâm con cái thì dễ khiến con cái cảm thấy cô đơn. Lúc đó, họ thường tìm đến những hội, nhóm trên Facebook để tham gia, nhờ tư vấn, hướng dẫn mọi vấn đề trong cuộc sống. Mà những thành viên tư vấn ấy, là những người đồng lứa, chưa hẳn sẽ hướng dẫn chính xác nhất mọi chuyện. Thậm chí có khi bị lôi kéo, dụ dỗ làm những điều sai trái. Chính vì thế, bố mẹ phải quan tâm con cái nhiều hơn, để con không cảm thấy bơ vơ lạc lõng, cô đơn. Có như vậy mới tránh được những hệ lụy, hậu quả đáng tiếc”.
|
Bình luận (0)