Chương trình do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN VN tổ chức với sự tham gia của gần 8.000 cán bộ, đoàn viên thanh niên trên cả nước.
Cơ hội thuận lợi
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN VN, cho biết trong chương trình tập huấn, ở các điểm cầu đã có hơn 600 ý kiến. Trong đó có nhiều băn khoăn về việc các đối tượng là thanh niên nông thôn hay thanh niên dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ như thế nào. Theo chị Vân, với điều kiện công nghệ như hiện nay, thanh niên ở nông thôn hay vùng khó khăn cũng không gặp nhiều trở ngại khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, T.Ư Hội sẽ có những hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng và sẽ tập hợp các nhu cầu cần hỗ trợ để chuyển đến những địa chỉ có thể giải quyết.
|
Tại buổi hỏi đáp, nhiều chuyên gia đã giải đáp băn khoăn của các đại biểu về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, cách tiếp cận nguồn vốn, thị trường…
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, cho rằng khởi nghiệp ở đối tượng nào cũng liên quan đến đặc trưng của thời đại đó là kỷ nguyên số, nên phải tận dụng được các cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0. “Hiện nay thị trường vô cùng thuận lợi cho các nhà khởi nghiệp, không chỉ thể hiện ở các cam kết quốc tế mà độ mở của kinh tế VN cũng đang đứng hàng đầu thế giới, nên mọi người đều có thể tiếp cận thị trường với chi phí thấp nhờ công nghệ. Việc tiếp cận nguồn vốn cũng rất dễ dàng vì đang mở ra quy mô toàn cầu. Việc huy động nguồn lực cũng thuận lợi vì khởi nghiệp ở một nơi nhưng có thể huy động nguồn lực trên toàn thế giới”, ông Hưng nhấn mạnh. Ông Hưng cho rằng từ nay đến năm 2020 là thời gian rất thuận lợi cho các bạn trẻ khởi nghiệp, vì thời đại của công nghệ thì chỉ có thanh niên mới tiếp cận được nhanh nhất.
Chia sẻ về cách tiếp cận nguồn vốn đầu tư, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng khi rót vốn, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến yếu tố quyết tâm đi đến cùng hay không. “Nhà khởi nghiệp phải trình bày ý tưởng, nếu hay nhưng không đi đến cùng thì họ cũng không đầu tư. Khi khởi nghiệp ra toàn cầu, nhà đầu tư quan tâm đến khả năng bùng nổ của sản phẩm, khả năng càng cao, họ sẽ bỏ tiền đầu tư càng cao”, ông Đông nói.
Cần chủ động tìm mô hình mới
Chia sẻ tại buổi hỏi đáp, anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Ủy viên Ủy ban T.Ư Hội LHTN VN, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Đại sứ trẻ (Yeah1), cho rằng muốn khởi nghiệp, phải thay đổi những tư duy cũ, cách nghĩ cũ. “Khởi nghiệp phải khơi nguồn cho thanh niên để họ tiếp cận công nghệ, làm gì để tạo thặng dư cao nhất. Không nên đi theo lối mòn, cần chủ động tìm kiếm mô hình mới”, anh Tống chia sẻ. Theo anh Tống, khởi nghiệp ở VN có rất nhiều rủi ro, nếu không chuẩn bị kỹ, sẽ để lại hậu quả xấu cho bản thân và cả xã hội. “Phải sẵn sàng tất cả mọi thứ từ chuyên môn, trình độ và kinh nghiệm mới nên khởi nghiệp”, anh Tống khuyến cáo.
Là đơn vị tích cực, chủ động trong việc hỗ trợ khởi nghiệp đối với địa phương, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cũng cho rằng một trong những kinh nghiệm để phát triển khởi nghiệp là phải truyền thông để hiểu đúng, sau đó cần chuẩn bị đủ nguồn lực và quyết tâm đi đến cùng chứ không nên coi khởi nghiệp chỉ là phong trào.
Bình luận (0)