Lan tỏa niềm yêu thích học sử

04/12/2017 07:03 GMT+7

Mỗi thí sinh cần tiếp tục cố gắng học tập để truyền cảm hứng và niềm đam mê học lịch sử , văn hóa để hiểu hơn về đất nước con người VN.

Đó là lời nhắn gửi của Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại buổi giao lưu với 73 thí sinh tiêu biểu trong cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc: Tự hào VN”, diễn ra chiều 3.12, tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); cùng dự có Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong.
Không ai là người thua cuộc
Cuộc gặp gỡ và giao lưu giữa Phó chủ tịch nước và những bạn trẻ tiêu biểu lựa chọn từ 63 tỉnh, thành phố tham gia vòng chung kết cuộc thi này diễn ra trong không khí cởi mở.
Clip Về với Thái Hòa đoạt giải nhất
Cuộc thi năm nay có 323.127 thí sinh đến từ 2.760 trường học tham gia. Vòng thi chung kết toàn quốc có sự tham gia của 65 thí sinh xuất sắc nhất lựa chọn từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua 4 phần thi: Theo dòng lịch sử; Danh nhân đất Việt; Giải mã lịch sử và Tự hào VN, thí sinh Hà Việt Hoàng (Hà Nội) giành giải nhất. Ở phần thi clip, ban tổ chức nhận được 552 tác phẩm dự thi. Tác phẩm Về với Thái Hòa của nhóm học sinh Trường THPT Thái Hòa (TX.Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) giành giải nhất.

Chia sẻ với Phó chủ tịch nước, Vũ Kim Ngân, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM), cho rằng đây là sân chơi bổ ích giúp học sinh tìm hiểu được nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa sinh động, trực quan bằng các ứng dụng công nghệ thông tin gần gũi với giới trẻ.
“Nếu những tiết học lịch sử ở trường, thầy cô ứng dụng được công nghệ thông tin, các công cụ tương tác như cuộc thi này thì học sinh sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, hấp dẫn người học hơn là chỉ nhìn vào một trang sách giáo khoa chỉ toàn có chữ”, Ngân bày tỏ.
Trong nhóm tác giả giành giải nhất thi clip giới thiệu vẻ đẹp quê hương, Phạm Huyền Trang, lớp 12A2 Trường THPT Thái Hòa (TX.Thái Hòa, tỉnh Nghệ An), cho rằng để có cảm hứng và nhân lên tình yêu học lịch sử, đầu tiên là tìm hiểu ngay chính vùng đất, con người, nét văn hóa đặc trưng nơi quê hương mình sinh ra và lớn lên. Chắc chắn khi đó, mỗi người sẽ trân quý những gì cha ông để lại và tiếp bước những thành tựu ấy với hành trang là niềm tự hào và tình yêu quê hương sẽ được nhân lên.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao quà cho các thí sinh (ảnh Phan Hậu)
Theo quán quân của cuộc thi năm 2017, Hà Việt Hoàng, lớp 12A1 Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội), cuộc thi là sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ, trau dồi thêm kiến thức lịch sử. “Cuộc thi này không có người thua cuộc, mỗi người tham gia ở đây đã là người chiến thắng và mỗi thí sinh hãy tiếp tục cống hiến khả năng của mình để truyền cảm hứng học lịch sử, văn hóa đến với bạn bè xung quanh”, Hoàng chia sẻ.
Học lịch sử nhưng hướng đến hiện tại, tương lai
Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng thành công của các thí sinh tham gia cuộc thi và ghi nhận những sáng kiến đề xuất để làm sao khuyến khích tinh thần ham học hỏi và quan trọng nhất là hiệu quả của học lịch sử, văn hóa VN.
Phó chủ tịch nước cho rằng nội dung cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa VN nhưng chung quy lại là tạo ý thức và nâng cao tinh thần yêu nước, giúp bạn trẻ tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa. Thành công này đến từ đổi mới và sáng tạo, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, dễ tương tác đã thu hút đông thí sinh tham gia. Theo bà Thịnh, cách thức này cũng phù hợp khi VN đang bước vào cách mạng 4.0 và xem thành công từ cuộc thi làm kinh nghiệm đổi mới trong cách dạy môn học lịch sử hiện nay.
Phó ban Dân vận T.Ư Đảng Nguyễn Văn Hùng (trái) và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trao giải cho các thí sinh (ảnh Phan Hậu)
“Lịch sử là bộ môn khoa học nghiên cứu về quá khứ, về sự kiện đã diễn ra, thông thường nặng nề tìm hiểu con số, địa danh, ngày tháng năm nào thì học sinh nhớ rất là mệt. Nhưng phải thay đổi giúp người học được khơi gợi, tạo sự hứng thú để tìm hiểu sâu sắc, tự rút ra bài học cho bản thân”, bà Thịnh nói.
Gợi ý về cách học với các bạn trẻ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đưa ra lời khuyên, học lịch sử văn hóa thì ngoài nắm số liệu, ngày tháng, địa danh, luôn luôn đặt ra câu hỏi vì sao, vì sao như thế, nghĩa là đi tìm hiểu nguyên nhân của nó, để rút ra bài học gì nhằm hướng đến hiện tại và tương lai.
Theo đó, Phó chủ tịch nước bày tỏ mong muốn mỗi thí sinh trong cuộc thi này đã có hứng thú đam mê học lịch sử, văn hóa và đất nước con người VN tiếp tục nỗ lực học tập và giữ tinh thần “Tự hào VN” mỗi khi giới thiệu về lịch sử, văn hóa, về đất nước và con người VN với bạn bè quốc tế.
Hãy trở thành hạt nhân nòng cốt lan tỏa niềm yêu thích học lịch sử
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng thành công từ cuộc thi giúp T.Ư Đoàn có thêm nhiều kinh nghiệm để tổ chức các hoạt động nhằm khơi gợi, truyền cảm hứng học lịch sử, tìm hiểu văn hóa dân tộc đến với thanh niên VN. Nhưng trước hết, anh Lê Quốc Phong mong muốn mỗi thí sinh tham gia cuộc thi này, ngay ở trường mình hãy trở thành hạt nhân nòng cốt lan tỏa niềm yêu thích học lịch sử đến với bạn bè xung quanh, để thế hệ trẻ VN cùng nhau học tập, hiểu biết sâu sắc về giá trị cha ông để lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.