Mối nguy từ mạng

14/11/2015 05:30 GMT+7

Tại hội thảo “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ LĐ-TB-XH và Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 13.11, đã đưa ra những cảnh báo nguy hiểm đối với trẻ em khi tiếp xúc với môi trường mạng.

Tại hội thảo “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ LĐ-TB-XH và Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 13.11, đã đưa ra những cảnh báo nguy hiểm đối với trẻ em khi tiếp xúc với môi trường mạng.

Một video clip ở nước ngoài thử nghiệm cho thấy trẻ dễ dàng gặp người lạ mới quen trên mạng - Ảnh: cắt từ clipMột video clip ở nước ngoài thử nghiệm cho thấy trẻ dễ dàng gặp người lạ mới quen trên mạng - Ảnh: cắt từ clip
60% thanh thiếu niên vào mạng tán gẫu và chơi game
Theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên VN, nếu như năm 2004 chỉ có 17,3% thanh niên VN sử dụng internet, thì đến năm 2013 tỷ lệ này đã tăng vọt lên 73% và trên 60% thanh thiếu niên truy cập mạng để tán gẫu và chơi game.
TS Nguyễn Thị Lan, Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN nhìn nhận: “Với sự quan tâm đầu tư của cha mẹ, nhiều trẻ em (TE) tiếp cận với công nghệ cao hiện đại rất nhanh. Tuy nhiên, trong điều kiện kiểm soát mạng và kiểm soát xã hội của VN còn lỏng lẻo, việc quản lý của cha mẹ còn thiếu, thì việc này lại tạo ra những nguy cơ lớn. Trong đó, TE là nhóm đối tượng dễ bị rơi vào cạm bẫy, bị xâm hại, bị lừa dối do sự cả tin, nhẹ dạ và thiếu kinh nghiệm sử dụng internet”.
Đại tá Trần Văn Doanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), cho hay cơ quan công an đã xác minh và điều tra nhiều diễn đàn, nhiều đối tượng có hành vi truyền bá phim ảnh đồi trụy TE trên mạng, thậm chí có cả 2 diễn đàn sex TE.
“Các đối tượng này còn lợi dụng mạng xã hội, phòng chat ảo, game online… để làm quen, tiếp cận, sau đó dụ dỗ, lôi kéo các em để thực hiện hành vi dâm ô hoặc tham gia vào hoạt động mại dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp. Không dừng lại ở đó, bọn tội phạm còn sử dụng mạng để đe dọa, gây áp lực lên TE, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập, thậm chí dẫn đến tự tử”, ông Doanh nói.
Thiếu quy định pháp lý
Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng cũng đã có những cảnh báo về các mối nguy đối với TE trên không gian mạng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một nghiên cứu, chưa có tài liệu, công cụ được thiết kế để nhận dạng các nguy cơ và các nhóm đối tượng TE bị xâm hại trên môi trường mạng; chưa có báo cáo thống kê quản lý đối tượng TE này. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ TE trên môi trường mạng còn thiếu, nhà nước chưa có quy định cụ thể đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng nhằm phân loại nội dung internet. Vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng đề án “Bảo vệ TE trên môi trường mạng” nhằm giảm tỷ lệ TE bị xâm hại trên môi trường mạng; tăng tỷ lệ TE là nạn nhân của các hình thức xâm hại trên mạng được phát hiện và hỗ trợ.
Ông Nam cho hay, đề án sẽ được triển khai trên toàn quốc từ 2016 - 2020, hoạt động chính của đề án bao gồm: hoàn thiện khung pháp luật, chính sách, bổ sung, đưa vào luật và văn bản dưới luật các điều khoản có liên quan đến điều khoản bảo vệ TE trực tuyến như: xây dựng quy định an toàn, an ninh thông tin phù hợp với TE; xây dựng các văn bản pháp lý hướng dẫn giải quyết các trường hợp TE bị xâm hại cho các đơn vị thực thi pháp luật và cơ quan tư pháp. Đặc biệt hình sự hóa quá trình dụ dỗ TE qua mạng vì mục đích xâm hại, bóc lột. Bên cạnh đó, đề án còn tổ chức các hoạt động tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ TE trong môi trường mạng; thí điểm mô hình bảo vệ TE trên mạng…
“Các chính sách cũng cần yêu cầu các hệ thống lọc, cấp lọc thông tin bắt buộc để đảm bảo an toàn truy cập ở hộ gia đình, nơi truy cập công cộng như nhà trường, thư viện... hệ thống lọc do các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện... điều này sẽ cần sự đồng thuận và một nguồn lực lớn huy động từ xã hội”, ông Nam nhấn mạnh.
Để tăng cường giám sát, tố giác tội phạm xâm hại TE trên mạng, đại tá Trần Văn Doanh đề xuất, thiết lập cổng thông tin điện tử để nhận tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại TE trên mạng. Bên cạnh đó, soạn thảo các tài liệu hướng dẫn cách phòng tránh và nhận biết dấu hiệu của tội phạm xâm hại TE trên mạng. Bà Quách Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP) cũng kiến nghị, giáo dục giới tính bắt buộc cho vị thành niên trong và ngoài nhà trường cần phải đưa vào luật. Ngoài ra, nên truyền thông rộng rãi về kỹ năng an toàn trên mạng và thông tin hỗ trợ TE; kết nối các tổ chức dịch vụ tư vấn, dịch vụ sức khỏe, công an, pháp lý để hỗ trợ TE khi gặp mối nguy hiểm qua mạng.
Gần 50% từng tiếp xúc với nội dung khiêu dâm
Trong một nghiên cứu của Unicef về TE (từ 10 - 18 tuổi) tại VN năm 2012, 49% TE và vị thành niên được hỏi cho biết đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trực tuyến, chủ yếu là do tình cờ.
Việc TE chia sẻ thông tin cá nhân và quyền riêng tư cho thấy 57% thanh niên thành thị từng chia sẻ thông tin trên mạng, ở nông thôn là 45%. Một lượng lớn TE sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân như: số điện thoại, tên trường, vị trí địa lý.
Nghiên cứu của Unicef cũng chỉ ra rằng, 20% người được trả lời ở khu vực thành thị và 30% người trả lời ở khu vực nông thôn đã từng gặp người lạ mà họ gặp trên mạng.
Còn nghiên cứu trực tuyến của CCIHP và Bộ LĐ-TB-XH thực hiện trong năm 2014 với 246 người cho thấy, 52,05 % trẻ vị thành niên từ 16 - 17 tuổi và 34,38% TE từ 12 - 15 tuổi bị bắt nạt qua mạng; hơn 21% em từ 12 - 17 tuổi bị gạ gẫm dụ dỗ tình dục qua mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.