Nam Phi tăng cường chống nhiễm HIV xuất phát từ nạn ‘cha nuôi’

26/03/2018 19:44 GMT+7

Chính phủ Nam Phi đẩy mạnh cuộc chiến phòng chống nhiễm HIV xuất phát từ tệ nạn mại dâm núp bóng dưới hình thức 'cha nuôi'.

Trong những năm gần đây, giới đàn ông giàu có ở Nam Phi bỏ tiền “nuôi nấng” con gái trẻ. Họ tự xưng là “Cha nuôi” và sẵn sàng chu cấp cho các cô gái trẻ để đổi lấy quan hệ tình dục, đa phần không sử dụng biện pháp đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo từ tổ chức Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), mối quan hệ “cha nuôi” góp phần làm bùng phát đợt lây lan HIV mới ở Nam Phi, nơi có đến 7 triệu người được xác định dương tính với virus chết người này, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Trên 10% phụ nữ Nam Phi nhiễm HIV so với tỷ lệ ở nam giới là 4%, theo UNAIDS. Các số liệu thống kê của chính phủ Nam Phi cho thấy mặc dù những ca mới nhiễm HIV có phần giảm, nhưng gần 40% trong số 270.000 trường hợp nhiễm virus này trong năm 2016 là phụ nữ trẻ trong độ tuổi 15-24.
“Phụ nữ thường không thể đưa ra yêu cầu quan hệ tình dục an toàn với cha nuôi. Một số người đàn ông sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su”, bà Nozizwe Madlala-Routledge, giám đốc tổ chức bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ bán dâm Embrace Dignity, cho biết.
Tuổi nhục vì làm “con gái nuôi”
Lebogang Motsumi (20 tuổi) cảm thấy hối hận sau một thời gian bán dâm cho “cha nuôi” là một doanh nhân thành đạt lớn hơn cô 20 tuổi. Vị doanh nhân này liên tục chuyển tiền vào tài khoản, mua tặng hàng hiệu, trả tiền thuê nhà cho Motsumi, nhưng đổi lại cô phải là nô lệ tình dục cho ông ta.
“Tất cả cũng chỉ vì tiền, nhưng dần dần tôi cảm thấy ghê tởm chính bản thân mình. Người đàn ông đó đáng tuổi cha tôi”, Motsumi chia sẻ.
Đây chỉ là một trong nhiều cô gái trẻ rơi vào vòng xoáy nô lệ tình dục ở Nam Phi. “Nhiều phụ nữ trẻ thậm chí tự nguyện trở thành con gái nuôi và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu vì những người đàn ông giàu có mang đến cho họ nhiều tiền bạc và vật chất”, chuyên gia phòng chống HIV ở Nam Phi Karabo Sitto nói với Reuters.
Trước thực trạng này, kể từ năm 2016, chính phủ Nam Phi đẩy mạnh chiến dịch cắt giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới, tình trạng có thai ngoài ý muốn và bạo lực chống lại phụ nữ, đồng thời giúp thiếu nữ đến trường. Cô Motsumi (bị nhiễm HIV) đang tham gia chương trình của một tổ chức phi chính phủ đi khắp nơi, chia sẻ câu chuyện bản thân mình nhằm giúp tăng cường ý thức cho thiếu nữ về căn bệnh này.
Người phát ngôn Bộ Y tế Nam Phi Foster Mohale thừa nhận chiến dịch này phần nào có kết quả, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn tình trạng “cha nuôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.