Tìm luồng gió mới…
Lịch trình một ngày cuối tuần của nhóm bạn trẻ Thu, Hương, Kim đều là sinh viên năm 3 Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chẳng phải du lịch tới những nơi xa xôi hay một điểm nào mới mẻ, mà chính là khám phá Sài Gòn, nơi họ đang học tập.
Sau khi tậu nhanh chiếc vé buýt đường sông lúc 9 giờ 50 sáng, điểm xuất phát từ bến Linh Đông (Q.Thủ Đức) đến điểm cuối là bến Bạch Đằng (Q.1), nhiều bạn trẻ hớn hở ngồi vào vị trí. Thu bảo nay đã chuẩn bị chiếc điện thoại sạc đầy pin để ghi lại cảnh vật nhìn từ sông nước. Chiếc tàu nổ máy khởi hành “xé nước” chạy bon bon, những cơn gió lướt qua mặt làm nhiều người cảm thấy dễ chịu.
Cảnh vật dần hé lộ ra khi tàu chạy ngày một nhanh hơn. Những tòa nhà chọc trời sừng sững khiến nhiều người thích thú. “Tuy buýt đường sông đã khai trương gần một năm, nhưng đây là lần đầu mình với các bạn mới đi thử. Cảm giác đi đường sông thấy Sài Gòn quen bỗng thành lạ lẫm. Vì thường ngày đi xe máy, lo chạy chứ dám nhìn ngang liếc dọc đâu”, Hương chia sẻ.
Trên chuyến tàu, mỗi người một cảm xúc khác nhau. Có người ngồi yên vị trên chiếc ghế ngắm nhìn Sài Gòn qua những ô cửa sổ trong vắt, có người ra ngoài hành lang tàu để được mãn nhãn hơn. Thế nhưng điểm chung của họ là “cảm nhận, sống chậm nơi phố thị nhộn nhịp”. Chỉ tay về phía tòa nhà 81 tầng, Thu nói với bạn mình: “Nếu đi tàu buýt đường sông vào ban đêm, chắc cảnh vật sẽ huyền hoặc hơn nhiều nhỉ?”.
Sau khi dừng ở bến Hiệp Bình Chánh, có người xuống tàu, người ở lại. Cầm chiếc máy ảnh bấm liến thoắng, anh Hoàng, khách du lịch, cho biết đi trên đường sông sẽ bắt trọn được khung cảnh đẹp của những tòa nhà cao tầng.
Có xe máy, nhưng Thanh Hưng (23 tuổi, TP.HCM), quyết định gửi xe ở bến Thanh Đa cùng bạn mình thử “phượt” Sài Gòn bằng đường sông nước. “Đi xe buýt thì không nhìn toàn cảnh được vì thường bị ngăn cách mui xe, đi tàu buýt thì nhìn thoải mái, gió mát khỏi cần điều hòa”, Hưng nói và cho biết thêm đôi khi mệt mỏi, hay cảm thấy ngột ngạt với sự đông đúc của Sài Gòn thì tìm đến đường sông cũng là cách giải trí thú vị.
Bâng khuâng khó tả
Với những người trải nghiệm đường sông lần đầu, họ thường chộn rộn xin về phía đầu tàu hoặc đuôi tàu để thỏa sức ngắm cảnh. Trong hành trình đi từ Q.Thủ Đức đến Q.1 hết gần một tiếng đồng hồ, Thu biết trước mình bị say tàu, nhưng cũng vì sự thích thú của bạn bè và sự mới lạ khi trải nghiệm đường sông, nên mọi mệt nhọc như được khỏa lấp.
Tiếng nổ máy của tàu nhỏ dần, chầm chậm tấp sát vào bến Bạch Đằng để hành khách lên tàu. Nhóm bạn Thu, Hương, Kim… rời tàu, đi men theo bờ kè ở sông, rồi tấp vào ghế đá. Họ thủ sẵn những chiếc bánh bao để ăn lót dạ, uống vội ly nước rồi tiếp tục thả lòng mình trôi theo những vạt bèo trên sông. Hương nói vui rằng: “Đi tàu buýt này cũng thú vị phết, hai đứa yêu nhau rủ đi hẹn hò sông nước Sài Gòn cũng có lý đó chứ”.
Tuy chiếc tàu cập bến, nhiều hành khách rời đi, nhưng Thanh Hưng với bạn mình vừa quay lên lại mua vé quay về. Hưng nói với tôi: “Hôm nay đi chơi nhưng tâm trạng không tốt nên có ý định sau khi tàu dừng bến sẽ mua vé để đi tiếp. Đi chán lại về thôi”. Có lẽ với Hưng, những luồng gió từ sông nước sẽ làm nguôi ngoai bớt nỗi buồn và những vướng mắc trong lòng cậu.
Trên những chuyến tàu buýt thường có khách du lịch, có cả trẻ em và những người lớn tuổi. Với họ khi đến thăm thú thành phố hoa lệ này thì phương tiện buýt đường sông cũng là một sự lựa chọn. Có những vị khách từ trung tâm Sài Gòn muốn đến khu Bình Qưới để tìm những thú vui câu cá, hay một khung cảnh dân dã nên thơ, cũng chọn phương án đi tàu buýt thay vì đi ô tô hay xe máy…
Trời đổ bóng chiều, những ánh hoàng hôn dần ló dạng cũng là lúc những ánh đèn xanh đỏ của thành phố dần hiện lên và những người chọn trải nghiệm đường sông phải quay về. Khi được hỏi, sau khi đi trên tuyến buýt đường sông cảm nhận thế nào? Một bạn trẻ đáp: “Cảm giác lạ, thích. Nhưng mỗi lần nhìn sông nước lòng lại bâng quơ...”.
Dẫu rằng tuyến buýt đường sông đã không còn lạ lẫm với nhiều người, nhưng với những người lần đầu trải nghiệm, ngắm nhìn Sài Gòn từ sông nước có lẽ trong lòng sẽ khơi gợi nhiều cảm xúc khó tả…
Bình luận (0)