Ngày quốc tế hạnh phúc: Người trẻ đi xa mong về quê ăn bữa cơm gia đình

Nam Long
Nam Long
20/03/2021 09:04 GMT+7

Với nhiều người trẻ, hạnh phúc là một bữa cơm ấm cúng bên gia đình, được cho đi và có khi đơn giản là những điều nhỏ nhặt xung quanh.

Thèm bữa cơm ấm áp bên gia đình

Năm nay, ngày quốc tế hạnh phúc 20.3 trùng vào ngày cuối tuần. Nhiều bạn trẻ đã tranh thủ sắp xếp công việc về với gia đình. Đối với họ, hạnh phúc đơn giản chỉ là về ăn cơm sum vầy với gia đình.
Anh Lưu Vĩnh Phúc (35 tuổi, quê H.Mang Thít, Vĩnh Long), hiện làm kiến trúc sư ở TP.HCM, cho biết do công việc nên vợ chồng anh và một đứa con phải thường xuyên xa nhà. Nhớ những bữa cơm ấm áp cùng gia đình ở quê nên những ngày cuối tuần anh luôn tranh thủ về. Hoặc khi ít việc, anh lại “cộ” vợ con về quê thăm nội, ngoại để giúp cháu hiểu được cảm giác ấm cúng bên gia đình. “Vì công việc mới phải xa nhà, tôi chỉ mong mỗi ngày được ăn cơm cùng gia đình đã là hạnh phúc lắm rồi”, anh Phúc bày tỏ.
Bớt đi một bữa tiệc, tăng thêm một bữa cơm gia đình. Bớt đi một cuộc say sưa, có thêm khoảng thời gian bên mẹ, cha. Dành thêm ít thời gian bên con, để chúng cảm nhận hơi ấm gia đình.

Cách đây 9 năm, tại cuộc họp phát động ngày hạnh phúc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã chính thức quyết định ngày 20.3 hàng năm là ngày quốc tế hạnh phúc. Một lý do mà Liên Hiệp Quốc chọn 20.3 là ngày quốc tế hạnh phúc bởi 20.3 là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau. Biểu tượng cho sự hài hoà, cân bằng của vũ trụ, âm và dương, ngày và đêm. Đó cũng là thông điệp nhắn gửi tới những bạn trẻ, những gia đình trẻ, hạnh phúc đến từ sự cân bằng, hài hoà mọi thứ trong cuộc sống.

Hạnh phúc là được cho đi

Nhà báo Phan Trường Sơn (39 tuổi), công tác tại Đài PT-TH Vĩnh Long, được bạn bè, đồng nghiệp gọi vui là “mọt sách” có hạng. Đối với anh, hạnh phúc là ngoài gia đình ra thì chỉ cần mua được một quyển sách mới và được người viết ký tặng là sung sướng nhất.

Đọc sách giúp mở mang trí tuệ và mang lại niềm vui

ẢNH: XUÂN PHÚC

“Khi mua được quyển sách mình thích thì cảm giác đầu tiên là vui. Sau đó mang về, tận dụng thời gian rảnh để đọc, phát hiện thêm nhiều thông tin mà mình chưa biết thì cảm thấy thích thú vì được bổ sung kiến thức. Có thêm nhiều kiến thức, mình cũng "bản lĩnh" hơn khi nói chuyện”, anh Sơn chia sẻ niềm đam mê sách của mình.
Còn chị Trần Tú Linh (31 tuổi, ngụ TP.Vĩnh Long) quan niệm hạnh phúc là cho đi và thấy người khác hạnh phúc. Cũng chính vì “cho đi là còn mãi” mà chị Linh đã bỏ tiền túi giúp đỡ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua. Không phô trương hay hình thức, chị mang quà gồm gạo, nhu yếu phẩm đến trao tận tay người dân.

Chị Tú Linh trong một lần đem quà tặng đến tận nhà người dân có hoàn cảnh khó khăn do Covid-19

ẢNH: XUÂN PHÚC

“Thấy họ vui, hạnh phúc là mình cũng hạnh phúc. Cảm thấy vui vẻ, thoải mái, an yên đã là hạnh phúc, đừng tìm kiếm những cái xa vời”, chị Linh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.