Nghị lực mùa thi: Cô bé học lớp tình thương dưới chân cầu vào đại học

12/06/2018 08:10 GMT+7

Tuổi thơ của Hương gắn liền với cây chổi đi khắp phố phường, rồi đi theo mẹ rửa chén và lang thang bán vé số... Tối đến em học lớp học tình thương dưới chân cầu... Với nghị lực và niềm ham học, giờ đây em đang nuôi ước mơ vào đại học.

[VIDEO] Nữ sinh nghèo tách vỏ hộp sữa chua nuôi ước mơ vào đại học
Những ngày đầu biết đến con chữ của Trần Thị Lan Hương, học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, là một tuần 3 buổi tối tại lớp học tình thương dưới chân cầu Bình Triệu, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Thế nhưng thành tích học tập của Hương là nhiều năm liền đạt xuất sắc và đứng nhất lớp.

Do không có công ăn việc làm ổn định, một ngày mưu sinh của mẹ con Hương bắt đầu từ 3 giờ sáng: đi nhặt ve chai từ thùng rác của các hộ gia đình, 5 giờ đi quét đường phố, trưa lại đi nhặt ve chai rồi chiều rửa chén bát tại các quán nhậu, tối đi giặt đồ thuê, dọn nhà thuê... Ai mướn gì mẹ con Hương đều làm.
Cuộc sống mưu sinh vất vả từ nhỏ nên chưa một lần Hương nghĩ chuyện đến trường. Đến năm 8 tuổi, được cô hàng xóm giới thiệu lớp học tình thương nên Hương được đi học. “Lúc đó, cô chỉ bảo là học để biết đọc biết viết. Nhưng càng học em càng thích và năm nào cũng được học sinh giỏi. Học giỏi nên đầu năm được tặng rất nhiều sách vở. Mẹ không phải mua và cũng không tốn tiền học, một tuần chỉ học 3 buổi tối, còn ban ngày vẫn có thể đi làm phụ mẹ nên mẹ cũng không phản đối chuyện học”, Hương trải lòng.
Dù vất vả là thế, nhưng Hương vẫn kiên trì học đến cùng, và hôm nay tôi gặp em trong màu áo đồng phục của học sinh như bao bạn bè đồng trang lứa khác và em đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT sắp tới.
Theo chân Hương từ Trường THPT Tây Thạnh về đến nhà hơn 10 km, căn nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở xã Vĩnh Lộc, H.Bình Chánh. Căn nhà này trước đây chỉ là một mái che tạm bợ, tôi phải cúi đầu mới vào nhà được. Mỗi lần mùa mưa, nước ngoài đường tràn vào, nước trên mái dột xuống, nên gia đình chạy vạy mượn khắp nơi sửa chữa để có căn nhà đúng nghĩa hơn. “Tất cả vật dụng trong gia đình, từ bàn ghế đến áo quần mặc hằng ngày đều là của người khác thương tình cho. Nên nếu gọi nhà em là gia đình ve chai thì chắc đúng nhất đấy ạ”, Hương nói.
Để bám sự học được đến ngày hôm nay, với Hương đó là một chặng đường dài của sự nỗ lực vượt qua hoàn cảnh. Hè lớp 11, Hương đi làm bảo vệ tầng hầm siêu thị, làm phục vụ cho các quán ăn, nhà hàng... Dù vậy cũng không xoay xở đủ tiền học thêm, thế là Hương phải trốn mẹ, nghỉ học 2, 3 buổi đi chạy bàn cho nhà hàng (120.000 đồng/6 giờ) kiếm thêm tiền. Rất nhiều lần, Hương nhịn ăn sáng, trưa chỉ ăn một phần mì tôm tại cửa hàng thức ăn nhanh, để dành tiền đi học. Không những thế, tối về em còn phụ mẹ nhận hộp sữa chua hết hạn của các công ty về tách vỏ nhựa. Mỗi đêm, 2 mẹ con làm nhiều nhất mới được 10 kg, tức được 20.000 đồng (2.000 đồng/kg).
Hương quyết tâm: “Dù thế nào em cũng phải thi đậu đại học. Với các bạn khác, 12 năm học chỉ có áp lực việc học, còn với em là cả hành trình dài với bao nhiêu khó khăn, nên tuyệt đối em không thể bỏ cuộc. Em sẽ cố gắng để theo học ngành kinh tế vì hoàn cảnh gia đình em quá thiếu thốn”.
Chia tay Hương ra về, con đường từ nhà Hương để ra được trục đường chính, gồ ghề và lầy lội sau mưa, đi không quen đường như tôi rất dễ bị ngã. Thế nhưng, sẽ chẳng là gì khi nghĩ lại chặng đường Hương đã đi qua để nuôi ước mơ vào đại học. Và phía trước em còn cả một chặng đường dài vẫn còn lắm gian nan.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ học sinh Trần Thị Lan Hương; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Trần Thị Lan Hương trong thời gian sớm nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.