Nhớ một thời lãng mạn khó tin

28/03/2017 09:14 GMT+7

Nếu thuộc thế hệ 8X và 9X, những chuyện tôi sắp kể ra đây có thể khiến bạn không tin, thậm chí bị sốc. Nhưng đó là chuyện thật của một thời mà tên gọi đã đi vào lịch sử: Thanh niên xung phong.

Mặc
Xu hướng thời trang của giới trẻ hiện nay khá đa dạng, thay đổi liên tục. Những mode mới xuất hiện hằng tuần, thậm chí mỗi ngày, tha hồ lựa chọn. Mặc đồ lành lặn lâu ngày thấy cũng chán, lớp trẻ thời nay lại thích mặc áo vá, còn cái quần thì rách te tua. Đó là mode chứ không phải do nghèo túng.
Ngày xưa Thanh niên xung phong (TNXP) chúng tôi, nam cũng như nữ, chỉ được cấp 2 bộ đồng phục kaki/năm. Do phải lao động chân tay liên miên nên 2 bộ đồ bạc màu, rách tơi tả, vừa vá xong chỗ này thì chỗ khác bung vải. Nhìn bộ đồ thấy mà thương. Thời đó chúng tôi không dám mặc sơ mi trắng hay áo chim cò trong doanh trại vì sẽ bị kiểm điểm, phê bình là “con nhà tiểu tư sản”. Để đối phó với thực trạng thiếu... quần, mấy chị TNXP tranh thủ những lần về phép xin má và bà ngoại mấy cái quần sa tanh màu đen cũ đem lên đơn vị mặc.
Trước 1975, loại quần này may rộng, mặc với áo dài hoặc áo bà ba để tạo thêm phần tha thướt. Nhưng khi muốn mặc trong môi trường TNXP thì buộc phải bóp ống lại cho nó phù hợp với việc lao động cơ bắp, chứ thướt tha quá thế nào cũng bị kiểm điểm “tiểu thư, tiểu tư sản”. Cụm từ “sa tanh ống túm” ra đời trong hoàn cảnh ấy. Ngẫm lại mới thấy, nếu mặc đồ vá, đồ rách, quần ống túm mặc với áo dài cách tân là mode, thì chắc chắn TNXP đã “đi trước thời đại” 4 thập niên.
Ngay cả cái quần short mà hiện nay thiên hạ mặc đi đầy đường, TNXP cũng “tiên phong” một cách ngẫu nhiên. Quần TNXP là quần dài, nhưng do phải đào kênh, đắp đập cảm thấy vướng víu nên nhiều anh cắt bỏ phần dưới, biến nó thành quần short. Các nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (H.Bình Chánh, TP.HCM) mà TNXP đóng quân đều thuộc vùng đất phèn chua với cỏ năn là cây chủ đạo, nước lấp xấp ngang đầu gối. Lao động lâu ngày, cái quần dài cũng đổi màu theo thời gian: phần vải dưới đầu gối bị nhuộm màu phèn, cứng đơ như tấm carton, mặc vào rất khó chịu đành phải cắt bỏ, biến thành quần short. Cái áo cũng vậy, cắt bỏ phần dài tay thành áo ngắn tay, thậm chí bỏ luôn tay áo “cho nó mát”.
Một số anh TNXP cởi trần ra hiện trường, cất kỹ cái áo đồng phục phòng khi về phép mặc vào cho lịch sự. Nông trường nắng cháy da mà chỉ có cái quần short với nón tai bèo cho nên nhiều “phân khúc cơ thể” đen như cột nhà cháy. Khi trời tối rủ nhau “tắm tiên” trên các dòng kênh, chúng tôi mới phát hiện mình đang mặc “thời trang Black & White” (khúc giữa của thân thể có màu trắng, phần trên thắt lưng và dưới đầu gối đen thui, nhìn không thể nhịn cười được).
Những loại “thời trang” cải tiến như vừa kể nhất là cái quần short, chỉ dành cho nam, nữ TNXP chả ai dám khoe đùi “đại trà” như mấy cô, mấy chị ở các đô thị hiện nay. Nam thì sao cũng được, chỉ thương chị em TNXP thời đó khó trăm bề, nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân. Đóng quân cạnh con sông, dòng suối thì còn đỡ, chứ trong rừng sâu gặp 6 tháng nắng thì chẳng có gì khổ bằng, có khi cả tuần chưa được tắm.
Tắm
Thời đó TNXP tắm đủ thứ kiểu: nước sông, nước suối, nước kênh, nước giếng, nước mưa và nước... hố bom, chỉ khi nào đi phép về Sài Gòn mới tắm nước máy. Nguồn nước thiên nhiên hồi ấy chưa bị ô nhiễm như bây giờ. Ấn tượng nhất trong việc tắm giặt là cục xà bông 72 phần dầu màu đất sét, to và nặng như... cục gạch, chẳng có mùi gì cả. Đó là cục xà bông “10 trong 1”, nghĩa là gội đầu, kỳ cọ toàn thân, giặt quần áo, giặt mùng mền, giặt ba lô, giặt nón tai bèo, giặt chiếu và... rửa chén cũng chỉ trông cậy có mỗi mình nó.
Cục xà bông này có ưu điểm lâu mòn nhưng khuyết điểm là chà muốn gãy tay mà chả thấy bọt đâu. Mặc dù rất nản nhưng buộc phải dùng cục 72 phần dầu vì chẳng có thứ gì khác thay thế. Vào đầu thập niên 1980, nếu bạn sở hữu một cục xà bông thơm chính hiệu thì đó sẽ là niềm hạnh phúc vô bờ bến nhưng đồng thời cũng là tai họa.
Số là có anh đội viên TNXP nọ được người thân ở nước ngoài gửi về cho m̀ột cục xà bông tắm hiệu Camay. Tối đến, sau một ngày lao động vất vả, anh này mang cục Camay đi tắm. Các đồng đội TNXP ngây ngất với “mùi thơm ngoại”, xin anh này tắm ké cục Camay. Số lượng tắm ké xà bông thơm ngày càng tăng, khiến cục Camay hao mòn nhanh hơn dự kiến. Thấy không ổn, anh này đợi đám bạn TNXP tắm xong rồi mới lẳng lặng mang cục xà bông yêu dấu ra tắm sau cùng.
Bẵng đi vài hôm, đồng đội TNXP phát hiện anh ta “thay đổi chiến thuật tắm” nhằm bảo toàn cục Camay, vậy là cả bọn cũng thay đổi chiến thuật luôn. Tức là “ém quân mai phục”, đợi đến khi nào anh này đi tắm là ngay lập tức các chiến hữu rón rén theo sau... Phải công nhận cục Camay thời trước lợi hại thiệt, da thịt đứa nào cũng cháy nắng khét lẹt, vậy mà tắm xong đi đến đâu cũng “thơm một góc trời”, rất đã.
So với việc mặc và tắm, câu chuyện ẩm thực thời TNXP đậm tính hài hước hơn bội phần.
Ăn
Bữa cơm phổ biến của người Việt chúng ta xưa nay luôn có gạo. Song những năm sau ngày thống nhất đất nước, gạo không đủ ăn, vì thế khẩu phần lương thực được thay thế bằng bo bo. Đây là loại lương thực TNXP chúng tôi nhớ nhất vì ăn vào như thế nào, thải ra y như vậy do tiêu hóa không được, nói cách khác, “đầu vào” và “đầu ra” giống nhau. Sau bo bo đến lượt mì sợi, có màu giống cọng mì Udon của Hàn Quốc hiện nay nhưng chẳng có hương vị gì cả (tạm gọi mì lạt), ăn với “canh toàn quốc” do hậu cần nấu cốt nuốt cho trôi.
“Canh toàn quốc” là nồi canh chỉ toàn nước, ai vớt được miếng tóp mỡ thì hạnh phúc ngập tràn. Ngán quá, một số đội viên TNXP mới nghĩ ra chuyện đem mì lạt ra tiệm hủ tiếu ở khu kinh tế mới gần doanh trại xin mua nước lèo chan lên, chủ quán thương tình cho vào tô vài cọng giá hẹ “làm màu”, ăn cho có phần khí thế mặc dù chẳng có thịt thà hay xương xẩu gì cả.
Tính tiền nước lèo theo dạng này là cả một nghệ thuật. Bà chủ tiệm gom lại đâu chừng 5 - 6 lần chan nước lèo thì người đó phải nộp cho quán 1 lon sữa Ông Thọ hoặc Kim Cương (trong khẩu phần nhu yếu phẩm hằng tháng), vì TNXP thời những năm đầu thành lập chẳng có lương hướng gì cả, “vô sản” đúng nghĩa. “Phi vụ nước lèo” là một loại giao dịch ngầm, nếu bị Ban chỉ huy liên đội phát hiện sẽ gặp rắc rối to. Thời đó cấm bán quân trang, quân dụng, nhu yếu phẩm... ra bên ngoài doanh trại.

tin liên quan

Lạc trôi vào quán cà phê thời... 'ông bà anh' ở Sài Gòn
Những khi lòng chùng xuống trước cảnh phố xá tấp nập và bon chen, cảm giác muốn tìm một nơi thật thư thái, tĩnh lặng để nghe những giai điệu cũ trỗi dậy. Để được đắm mình trong những khoảnh khắc khiến tâm hồn lắng lại, thử ghé Tiệm Café Saigon Retro.
Sau mì sợi, TNXP được cung cấp bột mì và hành trình của loại lương thực này đến bao tử của chúng tôi cũng rất đa dạng. Thoạt tiên, bộ phận hậu cần lấy bột mì làm bánh canh. Hai chữ bánh canh nghe có vẻ sang vậy chứ thực ra là bột mì nhồi cắt thành sợi thô, thả vào nồi nước chẳng hề có cục giò nào bên trong, nên được gọi “bánh canh toàn quốc”, ăn ngày 3 bữa giống thời mì lạt và bo bo. Ròng rã mấy tháng trời “chiến đấu” với “bánh canh toàn quốc” chịu hết thấu, Ban chỉ huy liên đội họp bàn tìm giải pháp. Và thế là món bánh bao ra đời.
Bánh bao TNXP là cả một câu chuyện hài hước. Thời đó thịt cá rất hiếm nên thực phẩm chủ yếu là rau củ - hiện diện trong tất cả các bữa ăn, bất kể nhà bếp nấu kiểu gì cũng không khác gì món chay. Đúng bài bản, bánh bao phải có thịt băm, nấm mèo, củ hành tây, củ hành tím, lạp xưởng, trứng cút...
Điểm quan trọng là lớp bột bao bên ngoài phải xốp, mềm (nhờ bột nổi). Thời đó TNXP không được cung cấp bột nổi cho nên sau khi ra lò, cầm cái bánh bao thả xuống bàn nó liền... tưng lên như trái banh tennis, để qua một ngày cứng như cục thạch cao, chọi nhau có thể bể đầu. Cái bánh bao TNXP thời đó được chúng tôi gọi “bánh bao Cả Thuận”, lấy theo tên Thuận của anh Liên đội phó đời sống - người chủ trì việc chăm sóc 3 bữa ăn hằng ngày cho khoảng 600 quân toàn liên đội. Cũng là Cả nhưng bánh bao Cả Thuận chẳng có điểm nào giống bánh bao Cả Cần ở Q.5, TP.HCM. Hôm thì bánh bao Cả Thuận có nhưn... đậu đũa, hôm thì su hào, củ sắn...
Lâu thiệt là lâu mới thấy có miếng thịt bé xíu trộn vào, thỉnh thoảng còn có bánh bao nhưn... bắp cải xào ruốc nữa chứ! Nói chung có gì làm nấy, làm sao ăn vậy, vui vẻ cả doanh trại. Ăn bánh bao riết cũng ngán, Tổng đội TNXP quyết định cấp cho mỗi liên đội một lò làm bánh mì thủ công, đốt bằng củi.
Đồng cảnh ngộ như bánh bao Cả Thuận, bánh mì TNXP ra lò có hình dạng dẹp lép như chiếc dép vì không có bột nổi. Bánh mì này phải ăn liền, chứ để đến hôm sau nó cứng như khúc củi. So với bánh canh và bánh bao, bánh mì TNXP tạo cảm giác “Tây” hơn mặc dù thường xuyên thưởng thức bánh mì kẹp... rau muống xào tỏi (có gì ăn nấy mà). Đó cũng là giai đoạn chúng tôi không còn sữa Ông Thọ trong khẩu phần nhu yếu phẩm nữa, thay bằng sữa bột viện trợ, loại sữa đóng gói giống như bao bột mì. Xơi bánh mì kẹp rau muống chịu hết thấu, chúng tôi thử chuyển sang món bánh mì kẹp sữa bột. Ngon thì có ngon, lạ thì có lạ, nhưng những anh chị bụng yếu thấy ngay hậu quả: bị Tào Tháo rượt chạy suốt đêm...

tin liên quan

14 phút “biết tuốt” về Sài Gòn
Không quá lời nếu nói rằng Tôi yêu Sài Gòn là một trong những đoạn phim để lại nhiều ấn tượng và được dân mạng Việt Nam đặc biệt yêu thích trong tuần qua.
Giai đoạn “hoàng kim của bột mì” là lúc chúng tôi đóng quân trên vùng Đồng Tháp Mười vào năm 1978. Bà con nông dân vùng này gạo dư ăn nhưng không được bán vì Chính phủ sẽ trưng mua. Biết TNXP không có gạo, chỉ ăn toàn bột mì nên cư dân địa phương gợi ý trao đổi hàng hóa “có lợi cả đôi bên”: bà con có bột mì để làm các loại bánh, TNXP được những bữa ăn cơm trắng. Có lẽ do thương lớp trẻ Sài Gòn lao động cực khổ, bà con tính theo công thức có lợi cho TNXP: 1 kg bột mì đổi lấy 2 kg gạo. “Thương vụ” này chỉ diễn ra vào ban đêm và thực hiện trong âm thầm, lặng lẽ theo đúng kiểu “du kích qua sông”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.