Hải trình tháng 3: Sức sống Cồn Cỏ

16/03/2017 10:32 GMT+7

Đảo Cồn Cỏ - đảo Thanh niên (thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị) được ví là 'Đất Việt giữa trùng khơi' có một sức sống rất mãnh liệt. Sức sống đó phần nhiều nhờ dấu ấn của những người trẻ...

Đến tháng 10 này là tròn 13 năm Cồn Cỏ trở thành huyện đảo của tỉnh Quảng Trị theo quyết định của Chính phủ. Nhưng con số 13 rõ ràng là quá bé nhỏ so với quá trình hình thành, phát triển của hòn đảo vốn chỉ cách đất liền hơn 27 km này.
Năm 2002, 43 thanh niên đầu tiên xung phong tình nguyện ra đảo lập nghiệp với mục tiêu đưa đảo thành đảo Thanh niên. Những “hạt giống đỏ” đó đã cùng chính quyền và lực lượng vũ trang xây dựng đảo Cồn Cỏ thêm vững chãi, trở thành điểm tựa trên biển của cư dân nước Việt, đặc biệt là ngư dân trên dặm trường hướng thẳng Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt...
Dấu chân người trẻ
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Lan (cùng 37 tuổi, ra đảo từ năm 2003), đã trải qua 14 năm thanh xuân trên đảo này. Quăng quật đủ nghề và hiện họ đã có trong tay một nhà hàng nhỏ cùng 2 đứa con trên đảo. “Sống ở đảo quen rồi, giờ vào đất liền thăm quê chỉ vài ngày là lại muốn ra, kể cả khi mưa to gió lớn. Nói thật, có khi vợ chồng tôi không thể xa đảo được nữa ...”, anh Hiển tâm sự.
Còn anh Nguyễn Thanh Nghĩa, hiện là cán bộ Văn phòng HĐND và UBND huyện đảo Cồn Cỏ, cũng đã có 13 năm gắn bó với hòn đảo rộng hơn 230 ha này. Nhớ về thời điểm 22 tuổi, đi cùng đoàn của Tổng đội Thanh niên xung phong ra xây dựng đảo, anh Nghĩa không khỏi bồi hồi pha chút tếu táo: “Lúc ra đi tôi đang là trai tân thì nay đã có vợ và 1 con. Nếu “nhân sự” nhà tôi tiếp tục tăng thêm thì tình yêu và sự gắn bó của tôi với Cồn Cỏ cũng không hề bị sứt mẻ, vì những cán bộ như chúng tôi ra đảo không phải theo kiểu nghĩa vụ... vài năm rồi về mà là làm hết sức, hết mình, có khi đến tuổi hưu luôn”.
Hay như cô giáo Hoàng Thị Thắm (32 tuổi), cũng vì một chữ duyên, một chút hoài bão mà trở thành giáo viên mầm non đầu tiên tại đảo Cồn Cỏ từ năm 2008. “Nơi đây bọn trẻ cần tôi hơn vì nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn. Nhưng cũng vì thế mà tôi như có thêm sức mạnh để làm việc tốt hơn, bù đắp cho các em...”, cô Thắm nói.
Thậm chí đến lãnh đạo đảo cũng trưởng thành từ hoạt động Đoàn và là thủ lĩnh phong trào thanh niên một thời. Ông Lê Minh Tuấn, đương kim Bí thư, Chủ tịch huyện đảo, chỉ vừa được bổ nhiệm chức vụ này khi vừa rời ghế Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị vào năm 2014. Hay vị "chúa đảo" tiền nhiệm của ông Tuấn là ông Lê Quang Lanh cũng nguyên là Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị. Và thực tế, dưới sự lèo lái của những người từng là thủ lĩnh thanh niên, sinh khí dựng xây Cồn Cỏ luôn sục sôi, phấn chấn.
Và dù phải đối diện với bão táp phong ba thì sự vui tươi, sôi nổi của người trẻ trên đảo vẫn hiện hữu. Giữa bề bộn gian khó, họ vẫn nghĩ một cách khác đi để tìm thấy nụ cười, để sống, làm việc lạc quan. Từng tấc đất, từng công trình, từng mái nhà trên hòn đảo thiêng này đều có bàn tay, khối óc của người trẻ dựng xây.
Ngày càng có nhiều du khách đến với Cồn Cỏ
Tương lai đầy kỳ vọng
13 năm dựng xây huyện đảo chưa phải là nhiều nhưng cũng khó có thể nói là ít. Suốt ngần ấy năm, bao nhiêu con người đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chung lưng đấu cật để cho hòn đảo này ngày càng tươi đẹp.
Nhưng cho đến tận bây giờ, nhiều người tâm huyết với đảo, khi nhìn lại vẫn thấy Cồn Cỏ còn có quá nhiều tiềm năng chưa khai phá hết, đặc biệt là tiềm năng về du lịch dịch vụ.

tin liên quan

Hải trình tháng 3
Tháng 3, nhóm phóng viên Thanh Niên thực hiện “Hải trình tháng 3” - có mặt ở các đảo Thanh niên để hiểu thêm về những cư dân thanh niên không ngại gian khổ...
Dù nhỏ bé nhưng Cồn Cỏ luôn được đánh giá là một hải đảo có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú và nhiều tiềm năng. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng trên đảo là hệ sinh thái khá hiếm của đảo núi lửa ở VN được gìn giữ và bảo vệ tốt. Rạn san hô ở đây cũng được cho là có độ phủ cao, còn tương đối nguyên vẹn chỉ sau Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Hòn Mun (Khánh Hòa)... Sau nhiều năm, đảo bây giờ không chỉ có những ghềnh đá lô nhô, khu rừng nguyên sinh rậm rạp, các doanh trại quân đội mà còn có rất nhiều tòa nhà lớn, là trụ sở UBND huyện, công an, thuế vụ, trung tâm y tế...
“Dẫu vẫn còn bộn bề khó khăn nhưng T.Ư và tỉnh luôn tạo cơ chế tốt để Cồn Cỏ đứng đúng vị trí của mình. Cùng với đó là khát vọng vượt qua gian khó của toàn bộ chính quyền, quân và dân trên đảo nên tôi kỳ vọng rằng mai này tiềm năng, lợi thế của đảo sẽ được khai thác hết. Những công việc mà thế hệ trước chưa làm hoặc chưa hoàn thiện thì thế hệ tiếp theo sẽ cố cáng đáng...”, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết.
Và ông Tuấn không nói suông, bởi hiện nay con tàu cao tốc đầu tiên của huyện với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng đang được hoàn thành, tour du lịch Cồn Cỏ do huyện phối hợp với một doanh nghiệp cũng đã có những bước đi đầu tiên. “Viễn cảnh du khách đến với hòn đảo xanh của chúng tôi không còn xa nữa”, ông Tuấn phấn khởi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.