Những cô gái đội mũ nồi xanh

Phạm Hữu
Phạm Hữu
19/03/2021 07:07 GMT+7

Những ngày tháng 3, tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 , số 3 (Q.Gò Vấp, TP.HCM), những nữ đoàn viên quân y chuẩn bị hành trang cho chuyến đi sau 1 năm huấn luyện. Đây được xem là hành trình đặc biệt nhất trong đời các cô gái.

 

Đã qua thời chân yếu tay mềm

Trải qua những ngày miệt mài với những bài tập căng thẳng trong môi trường quân đội, 12 cô gái đã tự tin, mạnh mẽ hơn xưa. Giờ đây, khi mặc lên mình bộ quân phục dã chiến, họ đã là quân nhân thực thụ.
nữ quân y trẻ tuổi nhất đội, Lê Na (25 tuổi, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện 175) cho biết chưa bao giờ nghĩ mình được nằm trong đội hình gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Xuất thân từ xứ dừa Bến Tre, Na tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM rồi sau đó làm việc tại Bệnh viện 175 cho đến nay.
Khi ở trường ĐH, ngoài học tập, Na còn tích cực tham gia hoạt động tình nguyện của Đoàn - Hội. Cô đã được bầu chọn là sinh viên 5 tốt Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Na luôn thầm ước được khoác bộ quân phục để đến Nam Sudan làm nhiệm vụ. Rồi cơ hội cũng đến, Na lập tức đăng ký tình nguyện tham gia huấn luyện.

Bệnh viện dã chiến Nam Sudan: Vững tin tiếp nối sứ mệnh hòa bình

Để được tuyển chọn, Na phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt. Ăn bụi ngủ rừng, tập võ, bắn súng, điều lệnh đội ngũ, học sinh tồn. Một ngày huấn luyện của các cô từ sáng sớm đến tối muộn, có khi phải tập ngoài giờ đến tận khuya.
“Khi vào bệnh viện dã chiến, từ một người tự do tôi đã trở thành một người có kỷ luật quân đội. Phải cố gắng theo kịp nhịp độ trong quân ngũ cùng mọi người”, đoàn viên Ngô Thị Hải Linh (28 tuổi), từng là nhân viên điều dưỡng Bệnh viện 175, cho biết.
Còn những lần học kỹ năng sinh tồn hay bắn súng, Linh tạm quên chuyện phấn son, sở thích con gái, để ăn ngủ trong rừng. Với thân hình mảnh mai, da dẻ hồng hào, lắm lúc Linh nghĩ mình khó vượt qua được thử thách trong hành trình huấn luyện. Nhưng giờ đôi tay mềm mại của Linh đã trở nên cứng rắn. Linh đã cầm cuốc đào hầm, nấu cơm dã chiến một cách thuần thục.

Hy sinh tình cảm để thực hiện sứ mệnh

Trong 12 nữ quân y sang Nam Sudan lần này, có những người phải tạm gác lại thiên chức làm vợ, làm mẹ để thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Một năm xa nhà với chị em sẽ là một thử thách khó quên trong đời. Bởi như lời một nữ quân y: “Là phụ nữ dù có mạnh mẽ đến mấy nhưng khi đi xa và nhớ con có thể khóc bất cứ lúc nào”.
Trần Thuận Trang (30 tuổi, nhân viên văn thư phục vụ trong quân đội ở Sóc Sơn) cho biết đã hơn 1 năm qua cô đã sống xa gia đình. Trang nhận lệnh từ cấp trên rời đơn vị vào bệnh viện dã chiến để huấn luyện. Mỗi tháng vài ngày, cô lại được về quê thăm con, nhưng bao nhiêu đó là chưa đủ để một người mẹ thỏa niềm nhớ con khi thường xuyên đi xa. Mùa tết vừa rồi như một “phép thử” với Trang. Vì dịch Covid-19, cô phải cấm trại cùng đồng đội, không được về ăn tết cùng con.
“Là một quân nhân, bình thường tôi luôn tỏ ra mạnh mẽ. Nhưng khi xa con vào bệnh viện dã chiến cách đây hơn 1 năm, tôi mới biết mình nhớ con đến chừng nào. Mỗi tháng đều về thăm con nhưng trong lòng lúc nào cũng cảm thấy nhớ. Bản năng của một người mẹ là vậy. Có đêm về, nghĩ tới việc sắp xa con là tôi khóc. Sắp tới, khi sang châu Phi tôi cũng chưa hình dung mình sẽ vượt qua như thế nào, nhưng mọi người làm được thì tôi cũng sẽ làm được”, Trang tâm sự.
Nguyễn Thị Huỳnh Như (29 tuổi, nhân viên Bệnh viện 175) cũng nghẹn ngào khi nhắc về con gái 2 tuổi của mình. Như cho biết nếu không có gia đình, nhất là người chồng, làm hậu phương ủng hộ, có lẽ Như không đủ mạnh mẽ để bước tiếp trên con đường này. “Tôi chưa hình dung được cảm giác xa con sẽ như thế nào. Đây là lần đầu tiên tôi xa con lâu đến vậy. Con tôi ngoan, nói gì cũng nghe lời nên tôi cũng yên tâm đi làm nhiệm vụ”, Như rưng rưng nước mắt chia sẻ.
Thiếu tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3, cho biết trong đội ngũ 63 người tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, độ tuổi trung bình khoảng 34, trong đó có 12 nữ, đa phần là những nhân viên thiên về y tế.
Đối với những nữ quân y đã có gia đình, đặc biệt là có con nhỏ, đây là một sự hy sinh. Tuy nhiên ai nấy đều mạnh mẽ, lại có đồng đội xung quanh nên cũng an ủi phần nào.
Sứ mệnh của những nhân viên gìn giữ hòa bình là hoạt động bảo vệ Tổ quốc từ xa. Đây cũng là một hành động ý nghĩa cho đất nước về mặt đối ngoại. Ngoài việc chữa trị y tế, những cô gái này còn mang theo truyền thống của dân tộc để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.