Triển khai từ năm 2018, đến cuối năm 2020, tại 4 quận, huyện Thốt Nốt, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ của TP.Cần Thơ đã có 61 cây cầu được khởi công xây dựng. Trong đó, 57 cầu đã khánh thành và đưa vào sử dụng, với tổng kinh phí hơn 23 tỉ đồng.
Chung niềm mơ ước
Xã Vĩnh Bình, H.Vĩnh Thạnh sông rạch chằng chịt, chia cắt các cụm dân cư. Trước đây, người dân trong xã qua lại bằng những cây cầu tạm, nhiều cây cầu gỗ xuống cấp nghiêm trọng, phải thường xuyên sửa chữa. Trở ngại lớn nhất là mùa mưa bão, cầu bám rong rêu trơn trượt, đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.
“Chuyện té ngã của học sinh, người dân là bình thường. Vận chuyển hàng hóa cũng bị hạn chế vì cầu yếu. Chưa kể việc cầu nhiều lần phải tu sửa kiểu chắp vá nên có thể sập bất cứ lúc nào”, ông Trần Văn Cang, Trưởng ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, cho biết.
Những cây cầu ván còn gắn với nhiều câu chuyện buồn. Ông Trương Văn Trắc (69 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thọ) kể cách đây vài năm vợ ông chuyển bệnh nặng. Cầu nhỏ, xe cứu thương không vào được, ông phải đưa vợ đến bệnh viện bằng xe máy. Dù rất vội nhưng ông phải chạy thật chậm vì cầu ván gỗ lồi lõm, chân cầu mục, hư hỏng, rất nguy hiểm. Một phần vì chậm trễ nên bác sĩ đã không thể cứu chữa vợ ông...
“Vùng nông thôn điều kiện dân sinh còn nhiều thiếu thốn. Người dân luôn mong chờ những cây cầu tốt để đảm bảo giao thông và giúp bà con có thể xoay xở kịp thời khi gặp phải những tình huống bất trắc, cấp bách”, ông Trắc chia sẻ.
Mỗi cầu được xây, cả xã vui mừng
Mỗi cây cầu được Quỹ Hy Vọng hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại địa phương đối ứng. Công lao động, thi công thiết kế do đội tình nguyện ở địa phương thực hiện.
Anh Lê Văn Toản, Phó bí thư Xã đoàn Vĩnh Bình, cho biết tuy còn nhiều khó khăn nhưng bà con ai cũng hăng hái góp tiền và sức, có người còn tự nguyện hiến đất để xây cầu. “Nhân công tình nguyện có ngày hơn 300 người làm việc sáng, chiều. Người dân, cán bộ cùng đoàn viên thanh niên hùng hậu nên có cây cầu chỉ thi công trong 2 tháng là hoàn thành, chất lượng đảm bảo. Hiện toàn xã có 9 cây cầu Hy Vọng, ai cũng tự giác bảo quản, giữ gìn”, anh Toản nói.
Với những cây cầu mới, học sinh đã an tâm tới trường. Cầu và đường kết nối giúp người dân có thêm động lực để lao động, sản xuất. “Có cầu này, xe tải đã có thể chở phân bón, trái cây, lúa gạo dễ dàng. Chúng tôi không còn phải đi bằng ghe, xuồng lòng vòng mất thời gian, tốn chi phí mà lại rất vất vả”, ông Võ Văn Thông (59 tuổi, ấp Vĩnh Thọ) phấn khởi nói.
Anh Huỳnh Thái Nguyên, nguyên Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP.Cần Thơ, cho biết: “Việc kiên cố hóa cầu là cần thiết, có ý nghĩa lâu dài để giúp cải thiện đời sống cho bà con ở nông thôn. Trong thời gian tới, Thành đoàn Cần Thơ sẽ cố gắng tiếp tục mang dự án này đến nhiều xã vùng sâu, vùng xa, giao thông còn cách trở. Trước mắt, 6 tháng đầu năm 2021, 6 cây cầu mới sẽ được thi công”.
Bình luận (0)