Trong dịp T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tuyên dương 190 sinh viên đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt (học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt) cấp T.Ư năm 2018, có 1 gương mặt truyền cảm hứng cho giới trẻ là sinh viên Tòng Thị Nguyên (22 tuổi, dân tộc Thái), đang học năm thứ 4, Đại học Sư phạm Lịch sử B, Trường đại học Tây Bắc.
Nguyên là một trong những thanh niên tiêu biểu trong cuộc vận động Sinh viên Việt Nam - những câu chuyện đẹp, bởi đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn bằng một ý chí tuyệt vời và viết lên câu chuyện đẹp trong hành trang của tuổi trẻ.
"Con gái không cần học hành nhiều làm gì!"
Nguyên sinh ra trong một gia đình nghèo và có tới 4 thế hệ sống chung trong một mái nhà. Cụ của Nguyên năm nay 92 tuổi, bố mẹ đều làm ruộng, lại nuôi 4 anh chị em. Hai anh chị Nguyên đã sớm phải nghỉ học để lao động kiếm sống, chỉ có Nguyên và cậu em út được theo học. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn và quan niệm cổ hủ rằng "con gái không cần học hành nhiều làm gì", nên học hết lớp 12, bố Nguyên không cho Nguyên đi học nữa.
“Khi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, em đã khóc rất nhiều, cả đêm đó em không sao ngủ được và nghĩ rằng, nếu không đi học thì mãi mãi em chỉ loanh quanh ở nhà thôi, không biết xung quanh mình như thế nào. Vậy là sáng hôm sau, em quyết định một mình xách ba lô lên đường...”, Nguyên xúc động nhớ lại.
Khi tôi hỏi đi như vậy, không có tiền lấy gì trang trải cho cuộc sống nơi xa lạ, Nguyên cho biết, khi đến trường đã may mắn được các anh chị trong Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện giúp đỡ, tìm chỗ ăn ở trong ký túc xá của trường. Sau đó, Nguyên đi làm thêm để kiếm sống. “Em làm đủ mọi việc, từ gia sư đến bưng bê trà đá để lấy tiền ăn học”, Nguyên chia sẻ.
Dù đi làm thêm nhưng Nguyên vẫn đặt mục tiêu học hành lên trên hết và đã liên tục nhận được học bổng sinh viên giỏi của trường. Đến năm thứ tư, Nguyên còn tiết kiệm được tiền để mua sách vở cho em trai đang học lớp 12.
“Mẹ thương em, thỉnh thoảng gửi cho ít gạo và dành dụm cho em được tổng cộng khoảng 200.000 - 300.000 đồng”, Nguyên kể.
|
"Danh hiệu Sinh viên 5 tốt giúp em thay đổi bản thân"
Điều đáng khâm phục ở cô gái này là không chỉ vừa đi làm thuê, vừa học đại học với một kết quả xuất sắc (đạt 3,76 điểm/4), mà Nguyên còn tích cực tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn, Hội. Nguyên là đảng viên trẻ của trường. Hiện, Nguyên là Bí thư chi Đoàn K56 Đại học sư phạm Lịch sử B; Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi khoa sử địa, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Tây Bắc. Nữ sinh này đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Nguyên là Trưởng nhóm sinh viên thực hiện đề tài “Hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Nam Lào trong giai đoạn 1945 - 1954”, bảo vệ thành công đề tài và đạt loại xuất sắc. Khi tham gia Đội thi nghiệp vụ sư phạm cấp khoa, cấp trường năm học 2017 - 2018, Nguyên cũng đạt giải khuyến khích.
Không chỉ giỏi giang, cô gái trẻ còn hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện và được Hội Sinh viên Trường đại học Tây Bắc tặng giấy khen về hoạt động tình nguyện năm học 2017 - 2018; được nhận bằng khen của T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên…
Đặc biệt, dù xuất thân là một sinh viên dân tộc thiểu số với một hoàn cảnh khó khăn, nhưng Nguyên luôn nỗ lực để vượt qua chính mình và còn tự tin hội nhập quốc tế. Nguyên đã tham gia chương trình “Theo dấu chân lãnh tụ Việt Nam - Lào” năm 2017, tại 2 tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng (Lào). Nguyên còn dành thời gian vào buổi tối (3 ngày/tuần) để hỗ trợ tiếng Việt cho lưu học sinh Lào đang học tập tại trường…
Với những thành tích đó, Nguyên đã được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam xét tặng danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư năm 2018. Nói về việc đạt danh hiệu này, Nguyên bày tỏ: “Không có quyển sách nào mà khi đọc xong có thể trở thành Sinh viên 5 tốt, vì đó là một quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ trên tất cả các mặt. Danh hiệu này đã giúp em thay đổi bản thân”.
Nói về mong ước của mình, cô sinh viên này chỉ mong ra trường có việc làm để giúp đỡ gia đình, sau đó là quê hương. “Khi được làm giáo viên, em sẽ tuyên tuyền tích cực hơn để thay đổi quan niệm về giới ở các vùng dân tộc thiểu số, vì hiện nay, tình trạng bất bình đẳng giới còn diễn ra phổ biến ở đây”, Nguyên tâm sự.
Bình luận (0)