Trân kể quyết định thi vào ngành y đa khoa vì muốn trở thành bác sĩ cứu người. Nên mới là sinh viên năm 3, nhưng Trân đã hăng hái tình nguyên tham gia chống dịch tại nhiều địa phương trong khoảng thời gian dài. Cô đã viết một bức thư gửi ba mẹ thật cảm động
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, Trân cho hay ban đầu tham gia chống dịch tại Cần Thơ thì ba mẹ không nói gì. Dù biết ba mẹ lo lắng hỏi thăm qua những cuộc gọi điện mỗi ngày. Trân đã giải thích cho ba mẹ về công việc của mình và hứa sẽ tự chăm sóc tốt cho bản thân.
Hành trình chống dịch tại Cần Thơ kéo dài từ ngày 9.8 đến ngày 26.8 qua 2 đợt hỗ trợ ở 2 khu vực khác nhau, công việc của Trân là thực hiện lấy mẫu cộng đồng. Mỗi ngày từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 5 giờ chiều. Có những ngày trời nắng gắt 37 độ trong bộ đồ bảo hộ Trân đã khóc vì không chịu nổi và nhớ nhà. Nhưng những khó khăn đó cũng không làm cho Trân bỏ cuộc.
Ngày 27.8 khi vừa cùng đồng đội kết thúc xong việc thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng tại TP.Cần Thơ, Huyền Trân cũng bắt đầu cho hành trình lao vào tâm dịch tại TP.HCM. Trân kể lúc chuẩn bị lên TP.HCM chống dịch, thì Trân gọi điện về nhà thông báo cho ba mẹ biết. Ba mẹ Trân lo lắng vì tâm dịch ở TP.HCM nguy hiểm hơn ở Cần Thơ. “Xe xuất phát thì mình nhận được tin nhắn của ba với nội dung: Con đọc bài thơ ‘Nghe tiếng giã gạo’ của Bác Hồ làm kim chỉ nam hành động”. Mình đã khóc với lời dặn dò này. Trước giờ ba mình cũng rất ít thể hiện tình cảm với mình, mình nghĩ thử thách ngành y là phải đi chống dịch nên mình càng lấy đó làm động lực quyết tâm để bước vào tâm dịch hỗ trợ”, Trân tâm sự
“Mong là ngày mình về lại Cần Thơ, thì TP.HCM đã kiểm soát được dịch bệnh, và mình tin với sự chung tay của nhiều người chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh”, Trân bộc bạch
Xa nhà đã được 6 tháng, những lần mệt mỏi hay muốn buông xuôi Trân điều nghĩ về gia đình. Trân viết lá thư gửi về ba mẹ nơi tuyến đầu chống dịch. Lá thư Trân viết vội trong ngày 11.8 có nội dung cảm ơn ba mẹ, và mong ba mẹ yên tâm, để bản thân vững tâm hơn vào tâm điểm chống dịch. Kết thúc lá thư Trân đã gửi lời nhắn nhủ ba mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe nhé. Hãy vững tin ở chúng con!
Kính thưa ba mẹ!
Con là cô bé đỏ hỏn nặng 2,2 kg sinh non ngày tháng của ba mẹ đây. Con là đứa con mà ba mẹ phải cầu xin Trời Phật, viếng chùa lạy miễu khắp nơi để chờ ngày con xuất hiện trong đời. Đứa con gái mà mẹ luôn bảo ăn nhiều vào vì con yếu ớt lại hay bệnh vặt. Từ ngày con rời quê mình lên Cần Thơ học tập, một năm về nhà đôi ba lần nhưng cũng chỉ vỏn vẹn vài ngày. Con đã thấy tóc ba thêm nhiều sợi bạc, con càng xót xa khi thấy mẹ thêm nhiều nếp nhăn. Đôi bàn tay chai sần quý giá của ba mẹ là từng ấy tháng năm nhọc nhằn nuôi con khôn lớn. Tự bao giờ những bữa cơm canh đủ đầy chẳng còn một tay con bưng rót, mái tóc bạc của ba dày dặn nhưng không có con kề bên để ba kêu nhổ tóc rồi con lại sẽ trả giá kì kèo 100 - 200 đồng một cọng. Có những ngày mẹ bật khóc vì thương nhớ con. Có những đêm ba trọc trằn vì lo con nơi xa cô quạnh.
Ngày con đi, con chỉ gọi nói một câu:“Thưa ba mẹ, con đi”. Con xin lỗi vì chưa nhận được sự đồng ý của đấng sinh thành đã “lao thân vào đạn lửa” như mẹ từng nói. Nhưng mẹ ơi, con chỉ là hạt cát bé xíu, việc con làm chẳng xá gì với anh chị bác sĩ... Con của tuổi 21 chẳng sợ hãi điều gì, con phải làm, con làm bằng tất cả những gì con có... Con phải đi, và một ngày sớm nhất con được về thăm ba mẹ. Con đi, là để vượt qua chính bản thân mình.
Con xin lỗi vì xa quê khiến mọi người nhớ mong, lo lắng cho đứa nhỏ này. Nhưng ba mẹ ơi, con trưởng thành từng ngày. Con sẽ tự đứng vững trên đôi chân của mình. Những kiến thức chuyên môn vững chãi được nhà trường trang bị, con tin rằng bản thân và đồng đội của con sẽ luôn khoẻ mạnh, luôn vững tin hoàn thành tốt công tác được giao. Công việc vất vả, nhọc nhằn giữa cái nắng hè gắt gỏng không tránh khỏi mệt mỏi ghì nặng trên vai. Có những lần đuối sức đến rơi nước mắt, con lại ước trở về bên vòng tay mẹ hay nằm yên vị trên cái võng à ơi của bà ngoại ngày xưa. Nhưng con phải học cách kiên cường, phải vững chãi như bàn thạch, phải một lòng nắm tay cùng đồng đội, vì trái tim của chúng con chung một chí hướng...
Con cảm ơn ba mẹ, cảm ơn anh chị em, cảm ơn gia đình mình luôn ở cạnh ủng hộ từng bước chân non nớt của con. Cảm ơn những lời nhắc nhở chân tình. Cảm ơn những cuộc gọi hỏi thăm vội vàng vì sốt ruột. Cảm ơn tất cả những tình cảm của mọi người dành cho con cũng như là tất cả các bạn ở tuyến đầu.
Trong bài thơ Có một Cần Thơ như thế, con viết: “Phục vụ dân, phục vụ nước, phụ nhà”, Vì sức khỏe của toàn xã hội nói chung và của gia đình mình nói riêng, con đành phải bỏ quên sự hỏi han săn sóc dành cho gia đình. Ba mẹ ở nhà giữ gìn sức khoẻ nhé. Cho con thêm ít ngày, con và đồng đội của con sẽ mang màu áo xanh tươi về cho đất nước, cho Cần Thơ. Hãy vững tin ở chúng con!
Con gái của ba mẹ!
Lý Huyền Trân
|
Tại TP.HCM, Trân cùng đồng đội của mình thực hiện việc lấy mẫu cộng đồng tại P.3, Q.4 từ ngày 27.8 đến ngày 15.9. Mỗi ngày bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Tuy có những khó khăn và hiểm nguy trong công tác chống dịch không thể lường trước, nhưng với Trân đó là được làm những công việc này là rất ý nghĩa.
Bình luận (0)