Thèm bánh mì, ốc, bún…
Trong những ngày chưa có dịch, Trần Bảo Trâm (29 tuổi ngụ chung cư Sky 9, đường Liên Phường, TP.Thủ Đức) có sở thích thường lê la quán xá ở nhiều nơi để ăn uống. Cô thường ăn ở các quán bình dân như mì Quãng, bò né, ốc, bánh mì thịt nguội… Có khi ăn tại quán hoặc mua về nhà thưởng thức cùng chồng.
“Tôi là người khá bận rộn trong công việc nên luôn chọn phương án ăn ở quán. Nhưng dịch làm việc tại nhà, nên tôi có thời gian nấu ăn cho gia đình. Tôi cũng tạm gác lại sở thích ăn những món ăn vặt lại. Lúc giãn cách khi thèm món gì tôi còn đi ra ngoài mua ốc về tự làm ăn”, Trâm nói.
|
Thời điểm này Trâm thay đổi bằng cách thèm món gì mua về rồi tự làm. Dù mất thời gian, mùi vị không bằng quán nhưng cũng tạm chấp nhận. Có khi cô tự nấu lẩu, làm món bò né, hoặc tỉ mỉ hơn là những món ốc chiên xào. Tuy vậy, cũng có lúc cô phải kềm lòng vì không biết cách chế biến đồ ăn vặt ưa thích.
Trước kia Nguyễn Lưu Thanh Thảo, SV Trường KHXH và NV TP.HCM, cũng là tín đồ của bánh canh ghẹ Cầu Bông. Đương nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, món Thảo muốn ăn nhất vẫn là bánh canh ghẹ vì theo Thảo ăn món này tại chỗ đó là ngon tuyệt. Món bánh canh ghẹ ở quán có vị ghẹ tươi và nước dùng được nêm nếm vừa miệng. “Thật tiếc mình biết nấu khá nhiều món nhưng lại không biết nấu món này, mình cũng chẳng biết lựa ghẹ sao cho tươi ngon và ngọt nước nữa”, Thảo kể.
Do đó, cô chỉ biết tạm nén cơn thèm ăn chờ đến ngày hết dịch. Mỗi lúc đó cô bạn lục lại hình cũ để xem cho qua ngày mà thôi.
Tương tự, Trần Kim Anh (21 tuổi, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được nếm trải nhiều món ngon ở Sài Gòn trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là: bún đậu mắm tôm, bún thịt nướng, phở bò...
Hơn một tháng ở nhà, Kim Anh chủ yếu tự nấu ăn và chế biến các món dễ làm, nguyên liệu dễ chọn chứ không chế biến được những món mình thèm ăn vì vừa khó tìm nguyên liệu, vừa khó nấu được như hương vị ở hàng quán.
|
Còn Trần Thanh Tú (26 tuổi, ngụ đường Bình Lợi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) liệt kê những nơi ao ước sẽ được đi ăn như: đồ nướng, các quán ở đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận). Tú cho biết: “Mùa giãn cách này món mà mình không thể không nghĩ đến là bánh tráng trộn. Mình có là mấy lần làm thử như bánh tráng me nhưng mà vẫn thích được ra đường nhâm nhi hơn. Giờ đây, món bánh tráng trộn dường như là đặc sản với những người trẻ như mình”.
Hết dịch sẽ ra đường ăn món mình thích
Nhiều bạn trẻ cho rằng sở thích ăn đồ ăn vặt hay ở quán xá vào thời điểm này là không thể. Họ sẽ phải nhịn thèm cho đến khi hết dịch mới dám ra ngoài thưởng thức món ăn trở lại.
Nguyễn Lưu Thanh Thảo kể rằng: “Lần đầu mình được người yêu cũ đưa tới quán bánh canh ghẹ để ăn. Ăn xong thì ghiền luôn, sau đó thì không có sau đó nữa. Nhưng khi hết dịch, mình nhất định sẽ chạy một mạch tới quán gọi một tô cỡ lớn và ngồi lại ăn cho nóng chứ không phải là mua mang về như mấy lần trước. Cái chính là cho đã cơn thèm ăn bấy lâu nay”.
Còn Trần Kim Anh lại khẳng định khi hết dịch sẽ lao ra đường tìm món ăn yêu thích. Món đầu tiên cô bạn mua sẽ là một ly trà sữa siêu to siêu khổng lồ, sau đó là phở tái Hà Nội, rồi lẩu và đồ nướng...
|
Tuy vậy, cũng có những bạn trẻ cảm thấy không thèm ăn trong mùa dịch mà thèm được cảm giác dạo phố. Chẳng hạn, Nguyễn Nhật Duy (27 tuổi, làm thiết kế đồ hoạ của The Green Concept) thèm được ra ngoài và ngồi ở quán cà phê mình yêu thích. Anh thích nhất là ngồi uống cà phê ở khu vực Biker Shield trên đường Nguyễn Công Trứ (Q.1), kèm theo ăn một tô hủ tiếu mì cá thập cẩm vì hai địa điểm này gần nhau và giá cả hợp lý.
Trần Bảo Trâm vẫn giữ quan điểm là thèm gì sẽ ăn thứ đó đầu tiên. Cô nói: “Tôi rất thích ăn một ổ bánh mì thịt Huỳnh Hoa ở đường Lê Thị Riêng. Nhưng làm sao làm được như họ khi rất khó để mua bánh mì trong thời gian này. Nếu hết dịch, việc đầu tiên tôi làm là đi mua bánh mì để ăn”.
Bình luận (0)