Ở trọ, lo nhất cháy nhà

Thanh Nam
Thanh Nam
12/09/2018 18:43 GMT+7

Nhiều sinh viên, công nhân nơm nớp lo sợ sẽ bị 'bà hỏa' ghé thăm khu trọ. Thế nhưng việc phòng cháy chữa cháy ở những khu trọ vẫn còn bỏ ngỏ.

Khu nhà trọ ở hẻm 345 đường Âu Cơ (Q.Tân Bình, TP.HCM) có gần 30 phòng trọ, tập trung hơn 80 sinh viên, công nhân đang trú ngụ. Bãi đỗ xe ở tầng hầm khu trọ này có đến 50, 60 chiếc xe máy. Theo Trần Văn Trung, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhà xe như vậy tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, bởi người ra vào liên tục, xe được xếp san sát nhau. Chỉ cần một xe bị sự cố như chảy xăng, rò rỉ xăng, mà có người vô ý thức hút thuốc, gạt tàn... thì có lẽ sẽ thiêu rụi hết.
Trung cho biết: "Hiện ở khu trọ mình không có các dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, nhiều người đến thuê phòng đã vô tư để những thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ngay trong nhà xe.

Nỗi lo của Trung cũng là nỗi lo chung của nhiều người trẻ hiện nay. Sống cuộc sống tạm bợ bằng cách thuê nhà trọ. Tuy nhiên không nhiều người may mắn thuê được nơi có các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Phần lớn đều có tâm lý, thấy khu nhà trọ rộng rãi, phòng sạch đẹp là quyết định chọn ở, chứ không quan tâm đến nơi đó có thiết bị phòng cháy chữa cháy hay không.
Khi được hỏi những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy như: làm gì khi quần áo bị bắt lửa, khi có cháy xảy ra cần làm gì, nơi nào có nhiều khí nhất khi xảy ra cháy..., một sinh viên đang học Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, đang trọ ở chung cư Ngô Gia Tự (Q.10, TP.HCM) lắc đầu không biết. "Vì mình không tìm hiểu, và kể từ khi vô ở trọ nơi này được hơn 2 năm, mình cũng chẳng bao giờ được chủ nhà trọ hướng dẫn. Vả lại, ở dãy trọ chỗ mình không có các thiết bị phòng cháy, chữa cháy", sinh viên này cho biết.
Ngoài phòng ở đã có những rủi ro, bên trong phòng ở cũng không ít nguy cơ rình rập. Chứng kiến không ít phòng trọ ngổn ngang đồ đạc. Quần áo, chăn màn, những vật liệu dễ cháy như: thùng giấy, vải... chất đầy phòng. Như các phòng trọ ở hẻm 103 đường Hồ Thị Kỷ (Q.10), một nhóm nam sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng "xả" đầy phòng. Tài liệu, giáo trình ở khắp mọi nơi, chưa kể những thiết bị điện cũng sơ sài, có nguy cơ chập điện, cháy nổ bất kỳ lúc nào.
Lê Mạnh Tiến, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói: "Dù ở trọ, có thể chỉ ở một thời gian ngắn, nhưng người thuê trọ cần nâng cao ý thức để tránh xảy ra 'thảm họa' cháy nổ. Cần để đồ đạc ngăn nắp. Đừng dựng xe chắn cả lối đi lại. Hơn hết, nếu cả khu trọ ai cũng cẩn thận, nhưng chỉ cần một người vô ý tứ, thì cũng có thể khiến người khác bị vạ lây. Nhiều người có thói quen phì phèo thuốc lá ở nhà để xe, hay có người để xe máy sát bếp nấu... Như thế là rất nguy hiểm".
Luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ở phòng trọ nếu không có ý thức phòng cháy chữa cháy ẢNH: XUÂN PHƯƠNG
Trần Vi Na, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, thì mong các cơ quan chức năng ở các phường nâng cao, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho sinh viên, công nhân đang ở trọ trên địa bàn. Có như vậy thì mới ngăn ngừa được nguy cơ cháy nổ.
Anh Nguyễn Cao Cường, chủ nhà trọ trên đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khuyên để bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ cháy nổ ở các phòng trọ, thì các chủ nhà trọ nên đầu tư các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó phải tập huấn, hướng dẫn cho người thuê trọ. Phải có bảng nội quy về phòng cháy, chữa cháy treo ở khu trọ và bắt buộc người ở trọ phải tuân thủ.
"Ngoài ra, còn phải nhắc nhở người thuê trọ có ý thức, phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy trong phòng trọ. Để xe máy gọn gàng, tránh những nơi có chất lỏng dễ cháy...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.