Đó là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với thanh niên, sinh viên tại lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp, do T.Ư Đoàn tổ chức ngày 16.10, tại Hà Nội.
Khởi nghiệp đã trở thành mệnh lệnh
Theo Thủ tướng, khởi nghiệp hiện nay đã trở thành mệnh lệnh và đòi hỏi thiết thực từ cuộc sống, là cơ hội để thanh niên thể hiện trí tuệ sáng tạo, khát vọng đổi mới. Khi có nhiều người cùng khởi nghiệp thì nền kinh tế đất nước phát triển năng động, đa dạng và giúp hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Thủ tướng cho biết chương trình Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ đã thực sự lan tỏa rộng khắp, đi vào đời sống. Nhiều địa phương chủ động ban hành, công bố kế hoạch và đã có những hành động bước đầu về cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm nay đã có 91.000 doanh nghiệp được thành lập, là tín hiệu tốt phản ánh hiệu quả của khởi nghiệp.
Nguyễn Thị Thơm (đại diện thanh niên nông thôn Hải Dương) đặt câu hỏi: “Ở nhiều làng quê đất trồng lúa vùng chiêm trũng không còn hiệu quả, trong khi đó thanh niên muốn lập nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng thì thủ tục hành chính rất rườm rà, phức tạp. Chính phủ có cho phép hay không và có cách gì giúp đỡ?”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân đề nghị từ nay đến cuối năm 2016, T.Ư Đoàn và MTTQ VN bàn bạc thống nhất xây dựng chương trình hành động quốc gia để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
“Trước đây quan điểm của Bộ Chính trị là chỉ giữ đất lúa theo quy hoạch đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng hiện nay, sản xuất lúa gạo mang lại giá trị lợi nhuận thấp, kém hiệu quả nếu so với các cây trồng, vật nuôi khác. Chính phủ cho phép và khuyến khích người trẻ ở nông thôn nếu ý tưởng, dự án tốt có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa không hiệu quả sang cây trồng khác, thậm chí có thể đào ao, thả cá, nuôi ba ba… Chính quyền các địa phương tạo điều kiện giải quyết về các thủ tục”, Thủ tướng nói và gợi ý, nông thôn là địa bàn màu mỡ để khởi nghiệp vì phần lớn dân số đều sinh sống ở nông thôn. Chương trình Thanh niên khởi nghiệp phải hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn cho thanh niên ở đây khởi nghiệp thông qua phát triển, gây dựng các mô hình kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp gia tăng giá trị của ngành này.
|
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nhìn nhận khởi nghiệp nếu dừng lại ở cuộc thi tuyên dương sau đó không ai bám theo các dự án, đề án nữa thì rất lãng phí. Theo ông Đông, các trường ĐH nên có ngay trung tâm khởi nghiệp. Ở đó có nhà quản lý, doanh nhân khởi nghiệp tham gia đánh giá các ý tưởng sáng tạo, làm cố vấn và hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Thủ tướng cũng lưu ý các trường ĐH hiện nay không chỉ đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề kỹ thuật mà có thêm nhiệm vụ mới là khơi dậy niềm đam mê, khát vọng khởi nghiệp mới cho sinh viên, giúp các em ra đời có nhiều ước mơ. Đó là yêu cầu của Chính phủ đối với ngành giáo dục. Các nhà trường phải đặt câu hỏi, chỉ tiêu có bao nhiêu nhà doanh nghiệp, sinh viên khởi nghiệp từ cấp trường mình. “Mỗi thanh niên phải có sẵn trong mình hoài bão, ước mơ khát vọng khởi nghiệp. Khởi nghiệp ở người trẻ quan trọng nhất phải có niềm tin, đam mê, có ý chí vượt mọi khó khăn thử thách để theo đuổi ước mơ của riêng mình”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Khép lại phần đối thoại, người đứng đầu Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành T.Ư kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thanh niên, sinh viên khởi nghiệp.
|
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong khẳng định chương trình nhằm tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Cụ thể, tập trung hỗ trợ 3 khối đối tượng: với sinh viên sẽ tập trung hỗ trợ các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo; với thanh niên nông thôn hỗ trợ các dự án, đề án cụ thể có tính đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp; với doanh nhân trẻ hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và hội nhập. T.Ư Đoàn sẽ tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo trong sinh viên, hình thành cơ sở dữ liệu về ý tưởng để xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, chương trình sẽ tư vấn hỗ trợ thanh niên thông qua cung cấp các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ. “T.Ư Đoàn sẽ sớm thành lập và ra mắt Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để hoạt động trợ giúp, tư vấn và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả và chuyên nghiệp”, anh Phong nói.
Tại lễ phát động, T.Ư Đoàn đã ra mắt Hội đồng chuyên gia tư vấn với thành viên là các nhà quản lý, trí thức uy tín, doanh nhân thành đạt, các chuyên gia về khởi nghiệp để tư vấn hỗ trợ trực tiếp cho các dự án của thanh niên. Đặc biệt, T.Ư Đoàn đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác đồng hành với các ngân hàng, các doanh nghiệp hỗ trợ chương trình, quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với tổng số tiền cam kết 350 tỉ đồng.
Dịp này, T.Ư Đoàn đã trao 500 triệu đồng tiền vốn hỗ trợ cho 10 dự án khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên.
Bình luận (0)