Sáu chị em côi cút giữa đời

21/11/2012 09:00 GMT+7

Sáu chị em, người lớn nhất 25 tuổi, nhỏ nhất mới 8 tuổi, côi cút nương tựa nhau giữa đời. Không chỉ lo cho các em từng chén cơm, cuốn vở, người chị lớn nhất nhà còn là cha, là mẹ của năm đứa em vẫn ngày ngày cắp sách đến trường.

Sáu chị em ấy hiện đang ở ấp An Hòa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM.

 Ba năm qua, Yến (bìa phải) vừa là chị, vừa là cha, là mẹ của năm đứa em mình. Ngồi cùng Nương (thứ ba từ trái qua) là bé Quỳnh Như, con của Yến
Ba năm qua, Yến (bìa phải) vừa là chị, vừa là cha, là mẹ của năm đứa em mình. Ngồi cùng Nương
(thứ ba từ trái qua) là bé Quỳnh Như, con của Yến - Ảnh: Hà Bình

Từ lá thư của cô học trò

Chương trình học bổng “Ngăn dòng bỏ học” năm 2012 của Tuổi Trẻ nhận được thư của bạn Nguyễn Thị Kim Nương, học sinh lớp 10A1 Trường THPT An Nghĩa, huyện Cần Giờ. Trong thư viết trên giấy học trò, bạn kể:

“Hai đấng sinh thành đã rời xa chúng em, nhưng trời cũng không bức tụi em vào đường cùng vì tụi em có chị Hai. Chị đã ôm các em khóc và nói: “Chị sẽ lo cho các em đi học dù cuộc đời có ra sao. Cho dù cực khổ đến đâu đi chăng nữa, chị cũng không thể bỏ năm đứa em”.

Thế là từ đó đến nay đã ba năm, chị Hai em đã dãi nắng dầm mưa, đi sớm về tối nuôi năm chị em của em ăn học. Ba mẹ đi để lại một số nợ khổng lồ. Ngân hàng xuống niêm phong nhà em nhưng thấy chị em mồ côi đành để lại cho ở. Tiền ăn học, gạo, tiền điện nước... các thứ quá nhiều nên chị phải tần tảo làm đủ thứ việc như đi giặt đồ, lau nhà, sửa quần áo, phụ gom tiền nước cho người ta... để có đủ tiền trang trải cho mấy chị em. Nhà nhiều lúc chẳng có gạo ăn nhưng chị em em quyết tâm thà đói lòng chứ không đói chữ. Vì thế, em đã quyết tâm học hết sức.

Ước gì trên đời này có một phép mầu, em sẽ ước được có tiền cho chị đỡ cực và chị em em được đi học đến nơi đến chốn. Em ước sau này làm một bác sĩ, chữa bệnh cho người nghèo. Đó là ước mơ từ bé của em. Nhưng ước mơ đó to lớn quá đối với hoàn cảnh hiện tại của em”.

Rau cháo nuôi nhau

Từ lá thư ấy, chúng tôi vội tìm đến nhà Nương vào một buổi chiều giữa tháng 11. Cửa đóng im ỉm. “Tụi nó đi học, đi làm đến chập tối mới về” - bà Năm, một người hàng xóm, nói với sang. Chập tối, Yến - người chị, tên gọi khác là Ngẫm - vội vã tạt qua nhà cắm điện nồi cơm để các em đi học về ăn. Mặt lấm tấm mồ hôi, cô gái nổi tiếng ở ấp khi “nuôi một bầy em”, kể: “Mình vừa đi lau nhà, giặt đồ cho một người dưới chợ. Được mấy chục ngàn đồng về mua gạo nấu cơm cho em. Mỗi tháng cả nhà ăn hết 60 kg gạo. Quần quật từ sáng đến khuya mà vẫn thiếu trước hụt sau”.

Đang trò chuyện, Yến xin phép đi nấu cơm để tiếp tục đi lau nhà cho một người hàng xóm. Chạy vạy từng đồng lo bữa cơm cho em, phần mình Yến bảo “dích cục chao ăn miếng cơm cũng qua bữa”. Cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, khi Nương nghỉ học ở nhà trông em, Yến tranh thủ đi làm thêm ở một tiệm photocopy tại Q.5. Chủ tiệm mua cho hộp cơm có đùi gà, miếng sườn Yến cũng không nỡ ăn mà gói mang về chia cho các em. “Mình ăn ngon mà em đói sao nuốt trôi” - Yến bảo vậy.

Người em kế của Yến, Nguyễn Thị Kim Tiên (19 tuổi), hiện học trung cấp điều dưỡng ở Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch. Cứ mỗi cuối tuần Yến làm sẵn hũ mắm, chuẩn bị ít gạo cho em mang đi trọ học. “Con nhỏ cuối tuần về thấy chị cực, không có tiền nói để em đi làm xí nghiệp nhưng mình không cho. Mình nói em ráng đi học, lo thân mình được mới lo cho em được” - Yến nhớ lại.

Chập tối Nương đi học về. Một bạn cùng lớp mang vở đến nhờ Nương hướng dẫn bài tập toán. Ba năm qua với sự cưu mang, đùm bọc của Yến, Nương luôn đạt học sinh giỏi. Học bạ năm lớp 9 của Nương có điểm tổng kết năm học đáng khích lệ với toán 8,8; vật lý 9,2; hóa 8,9; lịch sử 9,9; công nghệ 10...“Chị Hai đã thay thế cả mẹ và ba nuôi nấng, dạy dỗ tụi em. Không giúp được gì cho chị, em chỉ biết học cho thật giỏi” - Nương nói.

Tối Yến lại đi giúp việc cho nhà hàng xóm. Nương ở nhà cho bé Ngân (13 tuổi), bé Tuyến (12 tuổi), cu Thân (8 tuổi), bé Quỳnh Như (4 tuổi, con của Yến) ăn cơm và bảo ban các em học bài. “Nhiều lúc làm đến khuya mới về, thấy mấy đứa em mỗi đứa nằm một góc ngủ chèo queo mà rơi nước mắt...” - Yến nghèn nghẹn nói khi nước mắt lăn dài trên má.

Yến vẫn đang đến trường

Yến đã lập gia đình và có một bé gái 4 tuổi. Ở nhà chồng nhưng không nỡ bỏ các em nên ngày ngày Yến bế con - bé Quỳnh Như - sang với các dì, cậu rồi đi làm từ sáng đến tối mịt.

Yến kể năm lớp 6, dù học giỏi nhưng phải nghỉ học trông em vì ba mẹ đi ghe suốt. Sáu năm sau đó, Yến trở lại trường, tiếp tục việc học dở dang tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nhà Bè (TP.HCM). Hiện Yến vẫn đang theo học lớp 10 vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Thương hoàn cảnh của Yến nên học phí, giấy thi... được thầy cô giáo ở trung tâm và một người bạn đóng giúp. “Mình phải học, có kiến thức thì nói mấy đứa em mới nghe. Tụi nhỏ thấy chị khó khăn vẫn đi học thì sẽ cố gắng học. Mình có một ước mơ thầm kín là phải học đến hết lớp 12 rồi sau đó học lên nữa” - Yến tâm sự.

Theo Hà Bình / Tuổi Trẻ

>> Những căn nhà giúp đoàn viên vượt khó
>> Giúp HS-SV nghèo vượt khó
>> Chủ tịch Quốc hội gặp thiếu nhi nghèo vượt khó
>> Gần 300 thiếu nhi dự Liên hoan thiếu nhi nghèo vượt khó
>> Cho con cơ hội vượt khó
>> Tỉnh nghèo vượt khó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.