Sinh viên Sài Gòn than trời khi đi xe buýt

19/04/2016 20:05 GMT+7

'Di chuyển quãng đường 6 km mất 30 phút, có trạm xe dừng tới 10 phút, thậm chí ngồi trên xe cũng phải mặc áo mưa vì dột ướt...', sinh viên bức xúc.

'Di chuyển quãng đường 6 km mất 30 phút, có trạm xe dừng tới 10 phút, thậm chí ngồi trên xe cũng phải mặc áo mưa vì dột ướt...', sinh viên bức xúc.

Sinh viên phản ánh với lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM về các hạn chế của dịch vụ xe buýt trong thành phố - Ảnh: Linh San Sinh viên phản ánh với lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM về các hạn chế của dịch vụ xe buýt trong thành phố - Ảnh: Linh San
Sáng nay 19.4, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã diễn ra diễn đàn trao đổi giữa sinh viên các trường đại học với đại diện Sở GTVT TP.HCM về chất lượng xe buýt trong thành phố.
Chen lấn và mất cắp
Diễn đàn mang tên "Buýt đến trường - Buýt thân thiện" đã thu hút được sự tham gia của gần 300 bạn sinh viên, đại diện cho các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM. Không khí của diễn đàn trở nên vô cùng sôi nổi khi lãnh đạo Sở GTVT và đại diện Hội sinh viên TP.HCM đề nghị các bạn sinh viên trao đổi thẳng thắn về những hạn chế, yếu kém cùng hướng khắc phục của dịch vụ xe buýt trong thành phố.
Diệu Hương, đại diện cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, cho biết: "Các bạn sinh viên phản ánh thường xuyên bị mất đồ và không có cách nào để lấy lại, như trên các tuyến 104 và 33. Trước hết là do sinh viên chưa biết bảo quản đồ của mình, nhưng Sở GTVT cũng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này”, Diệu Hương bày tỏ.
Trạm hiến kế giải quyết các vấn đề hạn chế của dịch vụ xe buýt đặt ngay bên ngoài hội trường diễn đàn trao đổi Buýt đến trường - Buýt thân thiện - Ảnh: Linh San
Bạn Hòa, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin bức xúc: "Em ở ký túc xá khu B của Đại học quốc gia TP.HCM, em thường xuyên di chuyển bằng xe buýt 33 và 99. Vào buổi sáng, khi đi học, em thấy ý thức của sinh viên rất là kém khi xếp hàng lên xe buýt. Các bạn chen lấn, xô đẩy nhau như mua hàng giảm giá. Hy vọng để giảm bớt tình trạng chen lấn, thì vào những giờ cao điểm, mong được tăng cường xe buýt để phục vụ sinh viên".
Ngồi trong xe buýt phải mặc áo mưa

Có một nghịch lý là đằng sau mỗi chiếc xe buýt đều có chữ 'Xe bus thân thiện với môi trường', nhưng khói xe lại che hết dòng chữ đó luôn.

Sinh viên Trường ĐH Mở

Bạn Hòa nói thêm: "Về vấn đề sinh viên đi xe buýt có thân thiện với tài xế hay tiếp viên hay không, thì một phần là do các bác tài nhìn mặt dữ lắm nên bọn em không dám nói chuyện. Có lúc em bắt chuyện thì bị nhiều bác gắt gỏng. Thậm chí, khi em đi xe buýt không biết trạm dừng ở đâu, em hỏi thì các bác nói cứ ngồi yên đó đi. Rồi đi hoài, đi quá trạm dừng các bác cũng không nhắc giúp để em xuống. Em nghĩ rằng Sở GTVT nên có biện pháp cứng rắn hơn để thay đổi thái độ của các bác tài xế, tiếp viên trên xe".
Nhiều sinh viên cũng phản ánh về việc các đường dây nóng trên xe buýt có trường hợp gọi đến có nhân viên trực nghe máy nhưng lại nói không có trách nhiệm giải quyết. Cũng có trường hợp sau khi phản ánh, sinh viên được nhân viên tổng đài tới trao đổi trực tiếp để xử lý, nhưng ngay sau đó sinh viên lại nhận được những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa.
Diễn đàn đã công bố kết quả khảo sát 460 sinh viên trên địa bàn TP.HCM, có 55% sinh viên hài lòng và 45% sinh viên không hài lòng hoặc hoàn toàn không hài lòng với dịch vụ xe buýt trong thành phố - Ảnh: Linh San
Xe buýt quá cũ là vấn đề nhức nhối mà Vũ Văn Mạnh, sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghệ Thông tin chia sẻ: "Không biết ở đây đã có ai đi chuyến xe buýt 32 chưa, nhưng mà em phải nói là em chê thậm tệ luôn: di chuyển quãng đường 6 km mất 30 phút, có trạm xe dừng tới 10 phút, xe đi hơi cua một chút thôi là ghế đổ về một bên, thậm chí, khi trời mưa ngồi trên xe cũng phải mặc áo mưa vì dột ướt".
Về vấn đề xe buýt quá cũ, gây ô nhiễm môi trường, đại diện sinh viên Trường ĐH Mở cũng có ý kiến: "Có một nghịch lý là đằng sau mỗi chiếc xe buýt đều có chữ 'Xe bus thân thiện với môi trường', nhưng khói xe lại che hết dòng chữ đó luôn".
Làm sao để đi xe buýt trở thành trào lưu của giới trẻ?
Đại diện cho sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM bày tỏ cần phải nhìn nhận những bất cập theo nhiều chiều: "Vấn đề không chỉ ở những bác tài, tiếp viên, nhà cung ứng dịch vụ mà còn do ý thức tham gia của các bạn. Chúng ta xác định đi xe buýt là sử dụng một dịch vụ công cộng, nếu sinh viên muốn được sử dụng dịch vụ tốt thì cần phải chung tay cải thiện tình hình. Giới trẻ có nhiều trào lưu, và em hy vọng đi xe buýt cũng trở thành trào lưu tốt được các bạn hưởng ứng".
Đại diện Hội sinh viên TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM, hợp tác xã xe buýt 19.5 tham gia diễn đàn trao đổi với sinh viên - Ảnh: Linh San
Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm hợp tác xã xe buýt 19.5 cho biết: "Là một trong 13 đơn vị xe buýt của thành phố, chúng tôi xin cám ơn những nhận xét, đóng góp của các em sinh viên về những điều được và chưa được trong dịch vụ xe buýt. Hiện nay, chất lượng xe buýt đang được phản ánh rất nhiều. Các đơn vị vận tải trong 2 năm gần đây đã đổi trên 130 chiếc xe buýt (trên tổng số 2.600 xe hoạt động trên thành phố) sử dụng nhiên liệu sạch. Chúng tôi sẽ nhanh chóng đổi mới những chiếc xe quá cũ như xe chạy tuyến 32 mà em sinh viên vừa phản ánh. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng đào tạo, thay đổi cách làm việc của tài xế, tiếp viên làm phiền lòng hành khách. Để khi đổi xe mới thì thái độ phục vụ cũng phải đổi mới".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.