Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN, chủ trì hội nghị.
Đảm bảo sự tham gia của thanh niên trong mọi quá trình
Trao đổi tại hội nghị, TS Hoàng Xuân Châu, Trưởng nhóm nghiên cứu sửa đổi luật Thanh niên theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên của Viện Nghiên cứu thanh niên (T.Ư Đoàn), cho hay thanh niên VN đang gặp phải nhiều vấn đề trong tất cả các lĩnh vực; trong đó, nổi bật nhất là họ chưa được quan tâm đúng mức trong việc phát triển cá nhân. Bên cạnh đó, luật Thanh niên 2005 sau hơn 10 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế khi các quy định trong luật chung chung và mang tính chất tuyên ngôn khiến luật khó đi vào cuộc sống. Luật cũng chưa được thiết kế dựa trên một triết lý cụ thể gắn với mục tiêu phát triển thanh niên.
Từ kết quả nghiên cứu trong 2 năm 2016 - 2017, ông Châu và nhóm nghiên cứu đề xuất, việc sửa đổi luật Thanh niên 2005 cần phải được tiếp cận theo hướng phát triển thanh niên, và điều này phải trở thành mục đích hàng đầu của bộ luật. Từ đó, ông Châu cũng đề xuất 4 nguyên tắc thiết kế của luật Thanh niên, gồm: đảm bảo sự tham gia của thanh niên trong mọi quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách về thanh niên; vì lợi ích và phát triển của cá nhân thanh niên về thể lực, trí tuệ và đạo đức; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên; đảm bảo phát huy vai trò và sức sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chia sẻ với hướng tiếp cận phát triển thanh niên trong việc sửa luật, TS Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ giáo dục, môi trường và phát triển, cho rằng việc sửa luật Thanh niên cần tập trung 2 mục tiêu: dành sự quan tâm của toàn xã hội cho sự chăm lo, bảo vệ thanh niên, để họ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy được vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, ông Miều cho rằng, luật Thanh niên sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm thanh niên với sự phát triển bản thân cũng như trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường và các chủ thể xã hội đối với sự phát triển của thanh niên. Đó cũng chính là quyền mà thanh niên được hưởng.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Duy Lãm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, đề xuất: “Cần phải tạo điều kiện để thanh niên tham gia ý kiến, phản biện những chính sách quy định liên quan tới họ, có như vậy mới có thể phát triển thanh niên”.
Huy động nguồn lực xã hội
Liên quan đến nguồn lực phát triển thanh niên, TS Hoàng Xuân Châu đề xuất luật Thanh niên sửa đổi cần quy định rõ nguồn tài chính mà nhà nước cam kết chi cho công tác phát triển thanh niên. “Ngoài phần nhà nước đảm bảo thì nhà nước cần tạo điều kiện để xã hội hóa phần còn lại. Có như vậy mới có đủ nguồn lực phục vụ công tác phát triển thanh niên”, ông Châu nêu.
Ông Châu cũng đề xuất, để tạo nguồn lực cho phát triển thanh niên, luật Thanh niên sửa đổi cũng cần quy định rõ chế tài áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm luật.
TS Trần Văn Miều cho rằng, không có nguồn lực thì rất khó phát triển nên cần phải huy động nguồn lực xã hội vào công tác phát triển thanh niên. Tuy nhiên, theo ông Miều, hiện nay nguồn lực dành cho phát triển thanh niên từ ngân sách nhà nước đã khá lớn. Chẳng hạn, ngân sách nhà nước hằng năm chi 20% GDP cho giáo dục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… đều là nguồn lực đầu tư cho phát triển thanh niên. Do vậy, khi tính toán nguồn lực từ ngân sách dành cho công tác phát triển thanh niên cần phải tính tất cả những nguồn lực đã chi trên nhiều lĩnh vực.
Bình luận (0)