Anh bảo vệ nhìn tôi trả lời: Ban sáng nó có hót, nhưng từ lúc con kia cất tiếng, nó “tắt đài” rồi!
Tôi nhìn theo tay anh chỉ. Trong lồng là một chú chào mào. Nó đang hót!
Lắng nghe!
- Quả là tuyệt!
Tôi khen.
Anh bảo vệ nói: Thế mà hôm trước em mang ra công viên Lê Thị Riêng, nó im bặt! Tắt đài!
Góc công viên Lê Thị Riêng, có mấy anh sáng thứ bảy và chủ nhật đem chim ra thi (hót). Ở cái thế giới này, khi con hót hay nhất cất tiếng, những con còn lại im lặng nghe (tắt đài)!
Mấy con chim hót, hót một mình cũng có, hót có bầy đàn cũng có, giữa chúng không biết có tồn tại quy định về “phát ngôn”, về “tranh luận”? Tôi lẩn thẩn tự hỏi.
Trong cuộc sống, con người thường phải tranh luận. Nhưng tranh luận thế nào cho có văn hóa lại là một chuyện cần học.
Biết im lặng là một thói quen có văn hóa. Tôi nhớ, có lần trong một buổi tranh luận, một người cướp lời người khác đã nhận được một câu nhận xét thế này: Anh không thể chờ tôi nói xong ý kiến của mình à? Sao lại có cái kiểu “nhảy vào miệng người ta như thế”.
Tranh luận là một việc cần thiết. Rất cần thiết. Nhưng tranh luận phải có văn hóa, nếu không mọi ý nghĩa tốt đẹp của từ tranh luận sẽ biến mất!
Hiểu biết và biết lắng nghe người khác là một khía cạnh của văn hóa tranh luận.
Tôi cứ ước giá mọi người đều biết lắng nghe.
Bình luận (0)