Ba ép plastic và cất giữ cẩn thận từng tấm giấy khen của chúng tôi. Ba có thể nhớ rõ giấy khen của từng đứa con, được thưởng vào dịp nào với lý do gì. Mẹ kể, mỗi lần sửa nhà, ba mất vài ngày để tháo xuống rồi lại treo chúng lên đúng vị trí cũ.
Có lần anh trai tôi đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, tôi hỏi sao ba không treo giấy khen ở phòng khách để nhiều người biết. Ba cười bảo, như vậy là khoe khoang, ba muốn để ở phòng ngủ, anh em tụi bây nhìn đó mà noi gương nhau học tập. Quả thật, mỗi lần thi cử, dù rất mệt mỏi nhưng khi ngồi vào bàn học, nhìn lên những tấm giấy khen của anh chị, tôi càng có quyết tâm để đạt kết quả cao. Trong thâm tâm, tôi muốn làm ba tự hào như anh chị tôi đã từng. Bởi vậy, không cần ba mẹ nhắc nhở, chúng tôi vẫn có động lực để cố gắng học tập.
Giờ đây, hiếm thấy nhà nào treo giấy khen của con lên tường. Khi kết thúc năm học, các ông bố bà mẹ thi nhau khoe đủ loại giấy khen của con lên mạng. Mục đích cuối cùng cũng chỉ muốn mọi người thán phục, ngưỡng mộ con mình. Sau đó, chúng bị rơi vào lãng quên trong một ngăn tủ nào đấy. Và có lẽ, những đứa trẻ không còn nhiều cảm xúc khi nhận giấy khen.
Ngẫm lại để những tấm giấy khen phát huy tác dụng “truyền lửa” học tập cho con, phụ thuộc nhiều vào cách nhìn nhận của ba mẹ. Chính việc ba tôi trân quý giấy khen của con như báu vật vô giá khiến chúng tôi càng có động lực để đạt được thành công làm cho ba mẹ vui lòng.
Bình luận (0)