Tiếp sức đến trường cho 5 sinh viên mồ côi ở TT- Huế

5 sinh viên mồ côi nhưng bằng nghị lực đã vừa học, vừa kiếm sống và thi đỗ vào đại học số điểm số cao. Các em đã được nhóm Thiện nguyện Sài Gòn tiếp sức.

Ngày 13.11, tại trụ sở Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên – Huế, Công ty Cổ phần Tâm Cảng (Q.2, TP.Hồ Chí Minh) phối hợp với nhóm Thiện nguyện Sài Gòn trao 5 suất học bổng ban đầu cho 5 sinh viên năm thứ nhất, có hoàn cảnh mồ côi cha mẹ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, sau buổi gặp gỡ nhận học bổng đợt đầu (1 triệu đồng/ tháng) các em sẽ được Công ty CP Tâm Cảng thông qua nhóm Thiện Nguyện Sài Gòn đã bảo trợ cấp học bổng với mức 1 triệu đồng/ tháng cho 5 em trong suốt thời gian học đại học.

Trước đó, phóng viên Thanh Niên cũng đã cùng với nhóm Thiện nguyện Sài Gòn, đại diện của Công ty CP Tâm Cảng cũng đã đến tận gia đình các sinh viên và chứng kiến được cuộc sống khó khăn cũng như hoàn cảnh rớt nước mắt của các em.

Đại diện Công ty CP Tâm Cảng và nhóm Thiện nguyện Sài Gòn trao học bổng cho 5 sinh viên mồ côi ảnh Lê Công Doanh

Em Trần Thị Kiều Trinh (P.Hương Văn, TX. Hương Trà, mồ côi cha mẹ, ĐH Khoa học Huế). Năm em học lớp 6 thì mẹ bị bệnh qua đời, sau đó 2 năm ba của em cũng gặp phải bệnh hiểm nghèo và qua đời. Tai họa ập đến khiến 3 chị em còn nhỏ tuổi phải chịu cảnh côi cút nuôi nhau.

Chị gái của Kiều Trinh là Trần Thị Thảo Nguyên, năm nay 21 tuổi, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Khoa học Huế đã một mình thay cha mẹ nuôi hai em, sau Kiều Trinh còn thêm một em nhỏ Trần Thị Thúy Vi, năm nay 14 tuổi, học sinh lớp 9 trường THCS Hồ Văn Tứ.

Ba chị em hằng ngày ngoài việc học phải đi làm thêm để tự lo cho cuộc sống của mình. Dù cuộc sống đã gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng em vẫn luôn khao khát được đến trường và theo đuổi việc học.

Em Lê Thị Lan Hương (P.Tứ Hạ, TX.Hương Trà Thừa Thiên- Huế, sinh viên năm nhất trường Đại học Kinh tế Huế) cũng có hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm Hương lên 4 tuổi, trong một tai nạn, mẹ em đã qua đời. Đến năm em học lớp 10, ba em lại mất do bị bệnh hiểm nghèo. Cuộc sống của Hương hiện tại chỉ nương nhờ vào thu nhập 1,5 triệu đồng/ tháng của người chị gái là Lê Thị Thùy Dung (27 tuổi, đã tốt nghiệp đại học) đang làm gia sư tại nhà.
Lan Hương tại buổi trao học bổng Ảnh: Lê Công Doanh

Trước đây, hai chị em Hương nương nhờ vào ông bà ngoại, nhưng nay ông bà ngoại đã mất, còn ông bà nội em đã lớn tuổi nên mọi chuyện học tập và sinh hoạt của hai chị em đều do chị gánh vác.

Tâm sự về ước mơ của mình, Hương nói: “Em muốn mình trở thành một nhà kinh doanh giỏi nên đã thi vào trường Đại học Kinh tế Huế, em ước mong sau này ra trường sẽ có một công việc ổn định. Nếu sau khi tốt nghiệp Đại học và có công việc ổn định, trong khả năng của mình, em sẽ giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn và sẽ tham gia vào các hoạt động công tác xã hội ở cộng đồng để hiểu hơn và từ đó sẽ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống”.

Một cô gái mồ côi nhưng bằng chính nghị lực của mình đã vươn lên và luôn mong muốn có điều kiện để giúp đỡ những người có số phận khó khăn như mình.

Nguyễn Kim Thủy Tiên (P.Vỹ Dạ, TP.Huế, ĐH Kinh tế Huế), mẹ mất vì căn bệnh tai biến mạch máu não thêm vào đó là bệnh hở van tim hẹp hai lá. Thủy Tiên và chị gái của mình Nguyễn Thị Kim Liên đã phải trở thành lao động chính trong nhà vì bố em bị mù. Dù không làm được việc lớn để nuôi con nhưng bố vẫn là chỗ dựa tinh thần cho hai chị em sau khi mẹ qua đời. Nhưng không may, mới đây, ngày 4.11, bố em cũng đã qua đời vì xuất huyết não.

Kim Loan ở nhà giúp mẹ Ảnh: Lê Công Doanh

Bố mẹ đều qua đời, hai chị em Thủy Tiên sống nhờ nguồn thu nhập ít ỏi của người người chị làm thợ may. Thế nhưng, Thủy Tiên vẫn luôn nỗ lực và em đã thi đỗ vào ngành Quản trị kinh doanh, khoa Du lịch của ĐH Kinh tế Huế.

Trường hợp của em Nguyễn Thị Kim Loan (ở Đội 4 thôn Phụng Chán, xã Vinh Hưng, H.Phú Lộc-Thừa Thiên Huế) hiện đang học năm thứ nhất ngành Công nghệ thực phẩm tại  Đại Học Bách khoa Đà Nẵng, có cha mất vì một tai nạn giao thông khi em đang học lớp 9.  

Một mình mẹ em tần tảo nuôi ba đứa con thơ, trong đó người con trai út  chỉ mới 14 tháng tuổi.

Cuộc sống khó khăn nhưng em vẫn luôn học giỏi, năm 2013 em thi đậu ĐH kinh tế Đà Nẵng, đang đi học thì mẹ bệnh nặng, nên Loan phải nghỉ học đi làm thêm để phụ giúp mẹ, nuôi em. Mặc dù công việc kiếm tiền vất vả nhưng Loan vẫn dành thời gian rảnh rỗi ôn bài, quyết tâm thi vào Trường ĐH Y Dược Huế, với mong muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người.

Thế nhưng, năm 2015 em đã không đỗ được vào Y Khoa nên đến năm nay 2016, em đã chuyển hướng và đã thi đỗ vào ngành Công nghệ thực phẩm tại  Đại Học Bách khoa Đà Nẵng.

Kiều Oanh (bìa phải) người con út chiến sĩ Gạc ma Trần Văn tự sau buổi học phải giúp mẹ chằm nón kiếm thêm thu nhập ảnh Bùi NGọc Long
Cảnh đời khốn khó của vợ con người lính Gạc Ma
Bị mất một mắt trong trận chiến Gạc Ma, người lính Trần Văn Tự trở về cuộc sống đời thường với bao lo toan. Nhưng rồi cuộc sống bất hạnh đã ập lên vợ con khi anh đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông.

Trần Thị Kiều Oanh (ở thôn An Truyền, xã Phú An, H. Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) vừa đỗ vào ngành Tài chính Nhân hàng của trường ĐH Kinh tế Huế, là con gái út của anh Trần Văn Tự, chiến sĩ thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 (E83) Vùng 4 Hải quân. Anh công tác tại quần đảo Trường Sa từ tháng 3.1986 - 7.1989.

Trong sự kiện Gạc Ma, ngày 14.3.1988, anh là chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng đảo. Khi Trung Quốc nổ súng chiếm đảo, một mảnh đạn pháo của quân xâm lược đã làm anh bị thương nặng, sau đó bị mù mắt. Anh được đồng đội đưa về đất liền cứu chữa. Tháng 7.1989, anh xuất ngũ với giấy chứng nhận thương binh hạng 2/4.

Từ người lính trở về, anh Tự đã làm đủ nghề để mưu sinh và nuôi vợ con, nhưng ngày 5.12.2009, khi đang bán bánh bao trên đường Bà Triệu (TP.Huế), tai nạn giao thông đã khiến anh thiệt mạng, bỏ lại người vợ đơn chiếc cùng 4 đứa con thơ. Mặc dù mồ côi cha nhưng cả 4 chị em của Oanh đều học giỏi và đỗ vào các trường đại học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.