Tình nguyện 'làm chân' cho bạn

16/11/2020 07:15 GMT+7

Đó là câu chuyện cảm động của Y Ánh và Y Quỳnh (học lớp 11, Trường phổ thông Dân tộc nội trú H.Đăk Hà, Kon Tum). Trong 2 năm qua, Y Ánh đã tự nguyện 'làm chân' cõng Y Quỳnh lên lớp.

Hai năm qua, không kể ngày đông hay nắng hạ, Y Ánh vẫn luôn tình nguyện làm đôi chân cho Y Quỳnh vững bước vào đời.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc Y Quỳnh lên 7 tuổi, cô bé bị căn bệnh sốt xuất huyết hành hạ. Gia đình khó khăn về kinh tế, lại ở nơi vùng sâu vùng xa của thôn 4 (xã Đăk Ui, H.Đăk Hà) nên bố mẹ đành để Y Quỳnh tự khỏi. Khi những trận ốm cứ thế nặng dần lên, bố mẹ Y Quỳnh mới đi vay tiền hàng xóm láng giềng để đưa con đi viện thì đã muộn.
Các bác sĩ kết luận Y Quỳnh mắc căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Căn bệnh cứ thế làm cho cơ thể của cô bé yếu ớt. Cơ bắp trên chân tay của Y Quỳnh cứ co dần lại, khiến em không thể bước chân, cử động được.
Những tháng ngày buồn khổ của Y Quỳnh cứ trôi dần đi. Mọi sinh hoạt hằng ngày của Quỳnh chỉ dựa trên đôi vai của mẹ, kể cả việc đến trường. Thế rồi cô bé cũng lớn, trong xã chẳng có trường học dành cho Quỳnh. Muốn học lên nữa, Quỳnh phải lên trường huyện ở nội trú. Việc học tiếp của Quỳnh trở thành vấn đề thời sự trong gia đình. Ai sẽ là người đưa Quỳnh đến trường, ai sẽ là người chăm sóc Quỳnh trong thời gian ở lại lớp?

Từ khi có chiếc xe lăn, Y Ánh bớt một phần gánh nặng khi cõng bạn trên lưng

Bố mẹ Quỳnh băn khoăn lắm. Sẽ có người phải đi theo chăm cô bé, hoặc ai đó sẽ phải đưa con đến lớp và đón về trên hành trình dài đằng đẵng 25 cây số. Hoặc Quỳnh phải nghỉ học. Câu chuyện đến trường của Quỳnh cứ thế vang dần trong xóm nhỏ. Thương bạn, Y Ánh (cùng xóm) đã đi đến quyết định sẽ làm thay đôi chân để Quỳnh tiếp tục học. Ánh và Quỳnh cùng đăng ký học trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Cuộc sống tự lập của hai cô bé bắt đầu từ đây.
Ánh kể rằng khi mới vào trường, cả hai bạn phải ở 2 căn phòng khác nhau. Sáng nào cũng vậy, Ánh sẽ thức dậy từ 5 giờ sáng, vệ sinh cá nhân, thay quần áo rồi qua phòng Quỳnh. Tại đây, Ánh bế Quỳnh đến phòng vệ sinh, giúp Quỳnh đánh răng, rửa mặt và thay đồ. Sau khi hoàn tất việc vệ sinh cá nhân, Ánh cõng Quỳnh đến phòng ăn của trường.
“Chưa bao giờ em thấy Ánh đến trễ. Bạn luôn đến với em đúng giờ và cười thật tươi. Ánh là người giúp em đánh răng, rửa mặt, cõng em đi ăn rồi cõng em lên lớp. Trong mắt em, Ánh xuất hiện như một người hùng trong truyện cổ tích vậy”, Quỳnh nhìn Ánh trìu mến nói.
Mới đây, thầy Châu Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường, đã kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành để giúp Quỳnh bớt một phần khó khăn trong cuộc sống. Đáp lại lời kêu gọi đó, Công an tỉnh Kon Tum đã quyết định trao tặng cho Quỳnh một chiếc xe lăn điện tự điều khiển.
“Nhận được chiếc xe lăn, em mừng lắm. Em xin gửi lời cảm ơn đến các cô chú công an, bởi vì chiếc xe lăn này sẽ giúp Ánh bỏ bớt một phần gánh nặng khi phải cõng em trên lưng”, Quỳnh nói.
Còn với Ánh, vì hoàn cảnh khó khăn, không muốn bố mẹ chịu khổ, cô bé dự định chỉ học hết cấp 3, sau đó sẽ kiếm việc làm và khép lại giấc mơ vào đại học của mình. “Nhà em nghèo lắm, không có điều kiện để học tiếp. Em cũng từng ước sẽ thi đại học, nhưng đó chỉ là ước mơ thôi, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em chẳng muốn ước mơ gì nữa. Em chúc Quỳnh sẽ mãi thành công”, Ánh đưa cánh tay che đi đôi mắt ầng ậc nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.