Tình nguyện viên hỗ trợ F0 tại nhà: Tiếp xúc gần, sợ nhưng vẫn làm

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
05/09/2021 18:37 GMT+7

Lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ khu vực phong toả đến trực cấp cứu, hỗ trợ oxy… là công việc của Nguyễn Duy hơn 3 tháng nay, từ khi đăng ký trở thành tình nguyện viên để hỗ trợ TP.HCM chống dịch Covid-19 .

Việc gì cũng làm được hết

Duy 21 tuổi, đang là sinh viên năm 3 ngành Luật (Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. HCM). Cậu gia nhập làm tình nguyện viên thuộc đội trực cấp cứu lưu động, hỗ trợ F0 tại nhà của phường 5 quận Tân Bình gần một tháng nay. Nhưng riêng công việc tình nguyện viên hỗ trợ thành phố chống Covid-19 thì Duy làm đã hơn 3 tháng.
Đầu tháng 6, khi vừa thi kết thúc học phần năm 2 đại học thì cũng là lúc dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở TP.HCM. Dù lúc đó chưa được tiêm vắc xin nhưng khi thấy Thành đoàn TP.HCM đăng thông tin tuyển tình nguyện viên, Duy không chút mảy may đắn đo mà đăng ký ngay.
Thời gian đầu, Duy được điều động làm công tác nhập liệu, hỗ trợ lực lượng y tế xét nghiệm cộng đồng ở nhiều điểm quận khác nhau. Sau khi kết thúc đợt tình nguyện này, thấy thành phố vẫn chưa ổn, Duy tiếp tục đăng ký về làm tình nguyện viên ngay khu vực mình ở tại phường 5 quận Tân Bình.
Phụ được việc gì thì làm việc nấy, từ điều phối lấy mẫu xét nghiệm, nấu cơm rồi đưa vào khu cách ly, hỗ trợ đưa thực phẩm cho người dân. Sau nhiều lần được tập huấn Duy có thể hỗ trợ trực tiếp lấy mẫu và làm được nhiều việc hơn. Giai đoạn dịch bùng phát, nhân lực thiếu, hỗ trợ được gì là Duy nhận làm hết.

Công việc tình nguyện viên không lương, vất vả và nhiều nguy cơ nhưng hơn 3 tháng gắn bó mình chưa một lần ân hận vì đã đăng ký. Chỉ mong mỗi ngày giúp được nhiều việc hơn, ai cũng giúp một tay thì mọi việc sẽ sớm ổn định trở lại

Nguyễn Duy 

Trung tâm y tế phường 5 thành lập đội hình cấp cứu lưu động. Dù biết tham gia vào lực lượng này sẽ phải tiếp xúc với F0 hàng ngày nhưng với suy nghĩ “mình còn trẻ, còn sức nếu không đăng ký tham gia thì ai làm”. Vậy là gần một tháng nay Duy trở thành tình nguyện viên trong đội hình trực cấp cứu của phường.
Cũng từ lúc làm tình nguyện viên, hỗ trợ trực chiến tại các vùng bệnh, tiếp xúc với F0 hàng ngày nên dù cách nhà vài cây số nhưng Duy quyết định ở lại cùng mọi người trong nhóm để vừa tiện đi lại vừa tránh nguy cơ lây bệnh cho mẹ.
Do tình hình hiện tại của TP.HCM có lượng F0 tại nhà nhiều nên công việc của Duy và cả nhóm cũng vì thế khá căng thẳng, vừa phải trực điện thoại hỗ trợ xử lý thông tin vừa trực tiếp tiếp tế bình oxy và thuốc men cũng như theo dõi, kiểm tra sức khoẻ của người bệnh trong khu vực. Vì là cấp cứu, nên đội hình lưu động này hoạt động 24/24, cả nhóm phải chia ca ra để hỗ trợ người dân.
Trực cấp cứu, mỗi ngày nhóm của Duy nhận rất nhiều cuộc gọi nhờ hỗ trợ từ người dân, mỗi lần nhận cuộc gọi của ai đó báo cáo chỉ số SpO2 (chỉ số oxy trong máu) xuống thấp, Duy lại cùng thành viên trong đội vội vã mang bình oxy tới tận nhà hỗ trợ.
“Thời gian đầu khi làm công việc này, phải tiếp xúc với người bệnh, bản thân mình nói thật là cũng khá sợ, nhưng mọi người đều được bảo hộ, tập huấn kỹ càng, làm lâu rồi sẽ quen”, Duy chia sẻ.

Duy (ngoài cùng bên phải) dành những tháng nghỉ học vì dịch để làm công việc tình nguyện viên

NVCC

Hơn 400 chuyến xe 0 đồng chở bệnh nhân Covid-19 xuất viện về nhà

Vui buồn theo từng người bệnh

Gần một tháng nay khi tham gia vào lực lượng trực cấp cứu, hỗ trợ F0, Duy cho biết ngày nào cũng có trường hợp cần hỗ trợ, ngày ít thì 5-7 ca, ngày nhiều thì hơn chục ca, chưa kể những trường hợp cần nhập viện.
Kể về những vui buồn khi làm công việc này, Duy cho biết, khi mới “vào nghề” từng có nhiều phen hú vía vì vô tình “va phải” F0 mà không mang đồ bảo hộ.
“Có ca, buổi chiều thì nhận thông tin một người quen, tiêm xong vắc xin mũi thứ 2 về thì bị sốt, mệt. Lúc đó chỉ nghĩ trường hợp này bị tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin nên đã tới nhà chở họ đi cấp cứu. Xong việc thì mình về.
Đến tối khi trực điện thoại, mình nhận được thông báo của người dân về một trường hợp dương tính cần hỗ trợ. Khi đến nhà người dân thì mới phát hiện ca dương tính này là người hồi chiều mình đã chở đi cấp cứu. Lúc đó hơi hoảng, vì mình chỉ mang khẩu trang, không đồ bảo hộ”, nam sinh kể.
Duy sau đó phải tự tách ra khỏi cả nhóm, tự cách ly 3 ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới tiếp tục quay trở lại công việc của mình. Nhưng 3 ngày sau, khi nhận tin ca F0 mình từng chở đi cấp cứu mất vì Covid-19, Duy không khỏi nặng lòng.
Duy trực hỗ trợ oxy nên nhiều trường hợp được hỗ trợ kịp thời trước khi gọi được xe cấp cứu đến. Cũng có những F0 trở nặng về đêm, có những đêm trời đổ mưa lớn nhưng biết F0 cần mình nên Duy chưa bao giờ từ chối ca hỗ trợ nào.
Không chỉ hỗ trợ oxy, thuốc thang, nhóm Duy còn hỗ trợ nhân viên y tế theo dõi sức khoẻ của các ca bệnh, như thăm khám, theo dõi nhiệt độ, chỉ số oxy, tình trạng sức khoẻ… Theo sát các ca F0 tại nhà, niềm vui của nhóm Duy là những ca bệnh mình hỗ trợ vượt qua cửa tử hay khoẻ lên mỗi ngày và cũng có những ngày trầm xuống khi nhận tin một ai đó không qua khỏi vì bệnh này.
“Có những trường hợp khiến mình xót xa lắm, nhất là những gia đình vốn đã khó khăn. Có những em nhỏ, mùa dịch mà mẹ đi công tác không thể về, ở với ông bà đã lớn tuổi lại bị mắc Covid-19. Lần đầu mình có cảm giác trưởng thành khi biết vắt khăn, lau người hạ sốt cho em, thấy em gần gũi như người nhà.
Công việc tình nguyện viên không lương, vất vả và nhiều nguy cơ nhưng hơn 3 tháng gắn bó mình chưa một lần ân hận vì đã đăng ký. Chỉ mong mỗi ngày giúp được nhiều việc hơn, ai cũng giúp một tay thì mọi việc sẽ sớm ổn định trở lại”, Duy nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.