Trải nghiệm nghề muối

09/08/2014 03:00 GMT+7

Chiếc xe buýt dừng lại ở đầu đường. Nhóm 30 bạn trẻ đi bộ khoảng 500 m vào ruộng muối tại xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ, TP.HCM để trải nghiệm thành những diêm dân thực thụ dưới cái nắng gay gắt của trưa hè.

Trải nghiệm nghề muối
Cào muối dưới nắng hè gay gắt - Ảnh: Lê Thanh

Đây là một trong số những nội dung của chương trình “Cảm nhận giá trị cuộc sống” do Quận đoàn 8, TP.HCM tổ chức để tạo điều kiện cho nhiều thanh niên chưa ngoan tại địa phương trực tiếp lao động, trải nghiệm tại các làng nghề, hiểu hơn về giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền kiếm được. Theo đó, sau một ngày làm việc, mỗi bạn trẻ được ban tổ chức trả lương như những người làm thuê chuyên nghiệp.

Công việc của các bạn là thực hiện các công đoạn làm muối như: dùng trục lăn để lăn bằng các ô ruộng, trải bạt đen lên các ô ruộng đã được lăn phẳng lì, cào muối lại thành đống, xúc muối vào sọt và gánh muối tập trung về một chỗ. Đối với các bạn trẻ này thì phần việc nào cũng nặng nhọc và có những khó khăn riêng của nó.

Tăng Chấn Phong chia sẻ: “Trước khi tham gia chương trình em cứ nghĩ nghề muối cũng đơn giản nhưng khi trải nghiệm em mới thấy thật nhọc nhằn. Để làm ra được hạt muối cho mọi người sử dụng hằng ngày, diêm dân phải trải qua nhiều công đoạn, lắm lúc phải tắm mồ hôi. Được trải nghiệm một ngày trên cánh đồng muối mới cảm nhận được hết nỗi cực khổ của họ…”.

 Chứng kiến những diêm dân lao động miệt mài và hăng say cả ngày trên đồng ruộng làm cho một số bạn trẻ không những nể phục mà còn học được tính nhẫn nại của họ. Nguyễn Văn Vũ tâm sự: “Dưới cái nắng gay gắt giữa buổi trưa khiến cho đồng ruộng như một cái chảo muối rang nóng, hai bàn chân em như muốn bị lột hết da. Một gánh muối của mình chỉ nặng bằng nửa của mấy anh diêm dân nhưng sao khi gánh cứ hì hục, té lên té xuống, trong khi họ gánh rất điềm tĩnh và thoải mái, trông thật nể phục làm sao. Chính vì vậy, mặc dù bị té lên, té xuống nhưng em vẫn quyết tâm về đích chứ không thể để “gãy gánh” giữa đường”.

Được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những diêm dân, một số bạn trẻ đã có cái những cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Hồng Hải Triều tâm tình: “Trước giờ mình không biết ba mẹ đã cực khổ đến vậy để kiếm tiền về lo cho gia đình. Giờ thì mình hiểu mẹ đã hy sinh cho gia đình nhiều quá. Mình sẽ dùng số tiền thù lao kiếm được về nhà mời mẹ ăn một bữa sáng hoặc uống ly sinh tố chẳng hạn”.

Những người thực hiện chương trình này sẽ cảm thấy vui hơn khi nghe khi nghe bạn Trương Huynh bộc bạch: “Qua chương trình này, mình đã rút ra kinh nghiệm cho bản thân là cuộc sống vốn dĩ phải có những giọt mồ hôi, có va chạm thì chúng ta mới lớn khôn và có cái nhìn chín chắn hơn”.

Chị Nguyễn Thị Kiều Nương, Quận đoàn 8 cho rằng: “Thành công lớn nhất của chương trình này là giúp các bạn trẻ biết yêu lao động, trân trọng hơn giá trị lao động của từng ngành nghề ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Không những thế nó còn giúp bạn trẻ biết đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, góp phần hoàn thiện nhân cách, định hướng lối sống đẹp, khơi dậy khát vọng và phát huy tính năng động, sáng tạo trong thanh niên, đặc biệt là những thanh niên chưa ngoan. Mặc dù các bạn lao động đều được trả lương nhưng phần lớn trong số đó tình nguyện đóng góp khoản thù lao nhận được để mua quà tặng tại những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình”.

Lê Thanh

>> Kiểu gian lận giết chết nghề muối
>> Bạc Liêu: Chuyển hơn 1.000 ha đất nuôi tôm sang làm muối  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.