Tự nuôi tảo Spirulina tại nhà

19/09/2017 08:08 GMT+7

Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã triển khai một dự án khởi nghiệp hướng đến sức khỏe con người. Đó là cung cấp mô hình nuôi tảo Spirulina tại nhà để bổ sung vi chất giúp các thành viên trong gia đình ngày một khỏe, đẹp hơn.

Theo trưởng nhóm Trần Đình Trọng, sinh viên khoa kỹ thuật hóa học, ý tưởng được hình thành thông qua sự gợi ý của một giảng viên của trường trong quá trình học tập.
“Sau quá trình tìm hiểu, nhóm rất bất ngờ về công dụng tuyệt vời của tảo Spirulina, có nguồn gốc từ châu Phi, đã được các nhà khoa học trên thế giới công nhận. Đặc biệt, loại tảo này được phát triển mạnh ở thị trường Mỹ và Nhật Bản, trong khi tại VN rất ít người biết đến và chủ yếu được sử dụng ở dạng tảo khô. Từ đó nhóm nảy ra ý tưởng nuôi tảo tại nhà để đưa sản phẩm tươi ngon, chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng”, Đình Trọng nói.
Trọng cho biết thêm, nhóm đã tham khảo nhiều nguồn thông tin từ các trang báo nước ngoài, các chuyên gia có kinh nghiệm về nuôi tảo Spirulina. Từ lúc bắt đầu nghiên cứu, nuôi thử nghiệm đến khi hoàn thiện mô hình này mất gần 5 tháng. Mô hình đã được cung cấp ra thị trường nhằm đáp ứng về nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà tiện lợi và tiết kiệm chi phí.
Nguyễn Phước An, thành viên của nhóm, cho biết mô hình nuôi tảo Spirulina giống như nuôi cá kiểng trong bể kính. Hiện tại nhóm cung cấp bộ nuôi tảo trọn gói với giá 1,7 triệu đồng (bể kính, bộ thùng nhựa với dung tích 80 - 100 lít để chứa chất dinh dưỡng, một máy sục khí, tảo giống). Sau một tuần thả giống, người trồng sẽ bắt đầu thu hoạch với khối lượng 30% sản lượng tảo trong bể và cứ thế luân phiên thu hoạch mỗi ngày. Nếu người trồng không có thời gian thu hoạch mỗi ngày thì để vài ngày thu hoạch lượng tảo sẽ nhiều hơn. Tảo tươi khi vớt lên có thể uống trực tiếp, làm sữa chua, sinh tố…
Hữu ích cho mọi gia đình
PGS-TS Trịnh Văn Dũng, Trưởng bộ môn quá trình và thiết bị công nghệ hóa học, Khoa Kỹ thuật hóa học (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), cho biết mô hình khởi nghiệp tự nuôi tảo Spirulina tại nhà của nhóm sinh viên này hữu ích cho mọi gia đình, vì ứng dụng rất đơn giản. Không cần đòi hỏi nhiều về điều kiện nuôi, chỉ cần có đủ ánh sáng vừa phải là được. Mỗi gia đình bỏ ra một khoản chi phí ban đầu không nhiều, nhưng bù lại có nguồn tảo tươi dinh dưỡng cao sử dụng rất chủ động và nhanh chóng.
“Trong trường hợp dùng không hết, có thể bảo quản tảo trong ngăn đá để sử dụng dần. Mô hình như trên sẽ đủ cung cấp tảo cho 3 người trong vòng 4 tháng. Sau thời gian này, người sử dụng chỉ cần liên hệ với nhóm để thay giống, chất dinh dưỡng và tiếp tục vụ trồng mới, vì sau 4 tháng giống sẽ bị thoái hóa, năng suất thấp”, An nói.
Về cách nuôi tảo Spirulina đạt năng suất cao, Nguyễn Nhật Phong (thành viên của nhóm) chia sẻ: Quá trình nuôi rất đơn giản vì nhóm đã cân đong lượng dinh dưỡng đạt chuẩn, người nuôi tảo chỉ cần cắm điện cho máy sục khí liên tục, tránh trường hợp máy không hoạt động ảnh hưởng đến quang hợp, gây chết tảo.
“Để tăng năng suất thì thắp đèn thêm vào ban đêm để tăng quá trình quang hợp tạo sinh khối. Bể nuôi tảo cần để nơi có ánh sáng vừa phải, chỉ cần tầm 30% lượng ánh sáng tối đa ngoài trời là được”, Phong hướng dẫn.
Trương Hữu Đang (thành viên của nhóm) kỳ vọng: “Nhóm mong muốn trong thời gian tới mô hình nuôi tảo tại nhà sẽ được nhiều người tiêu dùng áp dụng, nhằm mang lại sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình. Trong tương lai, nhóm định hướng sẽ phát triển quy mô sản xuất và chế biến các sản phẩm từ tảo. Hy vọng sản phẩm này sẽ là một luồng gió mới cho thị trường trong nước và xa hơn là tiến đến các thị trường trong khu vực”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.