Đó là tâm huyết của nhóm 5 giáo viên tiểu học gồm: Nguyễn Hoàng Sang, Trịnh Thị Nhung, Trần Thị Nhàn, Trần Thị Ngọc Hạnh, Phạm Hoàng Nhân thuộc Chi đoàn giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, Q.Tân Bình (TP.HCM). Đề tài “Vận dụng công nghệ thông minh đảm bảo an toàn giao thông trước khu vực cổng trường” vừa đoạt giải nhất phần thi Ý tưởng sáng tạo trong cuộc thi “Ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông” do Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) và Trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ trẻ TP.HCM tổ chức.
|
Giúp phụ huynh vừa bắt kịp thông tin giao thông vừa tiết kiệm thời gian
Nói về ý tưởng để thực hiện đề tài, trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Sang, giáo viên dạy môn tin học, nêu thực trạng: “Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền nằm trên đường Bùi Thị Xuân có lộ giới khoảng 5 m. Lề đường vốn đã nhỏ hẹp lại bị chiếm dụng làm nơi buôn bán. Trường có 2 cổng, cách nhau khoảng 20 m nhưng số lượng học sinh toàn trường là 1.220 em. Chính vì thế dù đã có sự tham gia hỗ trợ của lực lượng bảo vệ khu phố, sự tham gia tích cực của đoàn viên giáo viên nhưng vẫn luôn xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông vào giờ học sinh đến trường và ra về”.
Theo anh Sang, trước đây cũng có rất nhiều giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề này như: Phối hợp hỗ trợ từ lực lượng dân quân địa phương, từ sự tham gia của đoàn viên giáo viên, từ việc hưởng ứng phong trào “Cổng trường an toàn giao thông”... nhưng thực tế vẫn rất khó giải quyết triệt để.
“Là giáo viên dạy môn tin học, tôi luôn trăn trở làm sao để phụ huynh nắm bắt kịp thời thông tin về giao thông ở cổng trường để vừa tiết kiệm được thời gian của mọi người vừa tuân thủ theo pháp luật. Và sáng kiến 'Vận dụng công nghệ vào an toàn giao thông trước cổng trường' của mình cùng một số giáo viên trong chi Đoàn trường ra đời”, anh Sang cho biết.
|
Chia nhóm phụ huynh theo phương tiện đưa đón học sinh
Nói về giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề, anh Sang giải thích: “Chúng tôi cung cấp địa chỉ website của nhà trường cho phụ huynh và học sinh để nắm bắt thông tin của trường; thành lập chuyên mục Thông tin giao thông để cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến giờ về, giờ học, địa điểm đón cho phụ huynh nắm bắt. Ví dụ: Đường bị sửa nên phụ huynh phải đón học sinh cách cổng trường khoảng 20 m, sẽ có giáo viên và bảo mẫu dẫn học sinh ra. Đặc biệt, đưa ứng dụng Zalo trên các thiết bị công nghệ như: điện thoại thông minh, máy tính bảng… với các bước chuẩn bị: Lập bảng khảo sát, thống kê các phương tiện phụ huynh đưa trẻ đến trường; gửi về phụ huynh bản cam kết xây dựng cổng trường an toàn giao thông để tạo sự đồng thuận của phụ huynh”.
“Chúng tôi kêu gọi phụ huynh cài đặt ứng dụng Zalo trên các thiết bị thường xuyên sử dụng và kết bạn với giáo viên chủ nhiệm lớp; thành lập nhóm phụ huynh theo phương tiện đưa đón học sinh dựa vào kết quả khảo sát, gồm nhóm sử dụng ô tô, nhóm sử dụng xe máy, nhóm đi bộ. Phân công giáo viên phụ trách từng nhóm và phụ huynh có thể tự tham gia vào nhiều nhóm. Trong trường hợp ông bà đón bé mà không sử dụng điện thoại thông minh thì cha mẹ, người thân phải theo dõi và báo kịp thời. Nếu phụ huynh có vấn đề đột xuất thì có thể thông tin để nhà trường hỗ trợ. Ví dụ: hư xe, kẹt xe nên đón học sinh trễ khoảng 20 phút. Tùy trường hợp cụ thể nhà trường sẽ sắp xếp”, anh Sang giải thích thêm.
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết ùn tắc giao thông, theo anh Sang là đảm bảo được sự an toàn của học sinh trong giờ ra về, học sinh dễ dàng quan sát được phụ huynh đang đứng chờ ở khu vực nào từ đó, tìm thấy phụ huynh nhanh chóng hơn, hạn chế việc phải đi lại nhiều lần, hít khói bụi xe .
Bình luận (0)