Dù có khó khăn vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ vẫn cố gắng tạo ra một mùa trung thu ấm áp cho các em nhỏ.
Một mùa trung thu đặc biệt
Năm nay, không tổ chức được một chương trình trung thu có “chú Cuội”, “chị Hằng” hay múa lân nhưng chị Trần Hải Yến, 30 tuổi, Bí Thư đoàn Phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM cũng cố gắng đến từng nhà trao hơn 400 phần quà (mỗi phần gồm lồng đèn, sữa, bánh trung thu) cho các em thiếu nhi khó khăn tại địa phương.
Chị Hải Yến chia sẻ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên rất khó khăn trong việc đặt và tìm lồng đèn. Mặt hàng này không thiết yếu nên hầu như các tiệm đều đã đóng cửa mấy tháng qua. Một số tiệm ở phố lồng đèn Q.5, TP.HCM có bán nhưng khoảng cách địa lý quá xa kèm theo việc hạn chế di chuyển vì chốt chăn nên rất khó mua.
|
Chị Yến chia sẻ: “Do không đủ số lượng tặng cho các em, tôi phải vận động thêm mạnh thường quân, có cả cảnh sát giao thông ở khu vực, sau đó cân đối quà mới chia ra đều các điểm tập trung con em thanh niên công nhân có thu nhập thấp”.
|
“Trung thu năm nay tuy buồn khi không được xem múa lân, đi rước đèn hay tập trung xem các chương trình văn nghệ... nhưng các em đã có một mùa trung thu đặc biệt khi được hưởng sự nồng ấm trọn vẹn trong vòng tay người thân, đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh”, chị Yến tâm sự.
Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Trọng, sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, cũng phải chật vật tìm cách cho mọi người hóa trang thành “chú Cuội”, “chị Hằng” với mong muốn tạo ra niềm vui cho các em thiếu nhi trong mùa trung thu năm nay.
|
Đợt trung thu năm 2021 này, Hoàng Trọng hỗ trợ trang phục cho các anh, chị tại P.5, Q.10, TP.HCM. Tuy nhiên, anh chàng 21 tuổi này gặp một số khó khăn khi không tìm mua được trang phục như yêu cầu.
“Với tình hình dịch hiện nay, mọi thứ đều khó mua với người dân. Việc thuê trang phục cũng vậy. Sau khi tìm khắp nơi nhưng không có, tôi vào kho tìm lại được hai bộ bà ba (dành cho "chú Cuội"), rồi hai bộ đồ cổ trang cũ của những năm trước để làm trang phục cho “chị Hằng” nhưng chúng đã bị xỉn màu, mục hết, rất khó khăn trong việc xử lý. Sau đó, tôi đem đi giặt, tẩy, vá những nơi rách, mất khoảng 2-3 ngày mới xong”, anh Trọng kể.
|
Đăng lên mạng xã hội để tìm lồng đèn, bánh
Trong hai ngày 18 và 19.9, chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, 25 tuổi, Bí thư Đoàn P.11, Q.10, TP.HCM, đã trao 200 phần quà trung thu cho trẻ em. Được biết mỗi phần gồm bánh trung thu hoặc bánh pía, lồng đèn và sữa...
Chị Quỳnh Như chia sẻ: "Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, kinh phí là một vấn đề khó khăn và không thể tổ chức cố định ở một địa điểm để tránh đông người". Theo chị Như, năm nay để tổ chức trung thu, đòi hỏi phải có sự sắp xếp kỹ lưỡng, phối hợp nhiều đầu mối của Ủy ban, các ban ngành tại địa phương về danh sách các em thiếu nhi F0, F0 đã xuất viện, thiếu nhi khó khăn để an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
|
“Đoàn phường có rất nhiều đầu việc, cụ thể như hỗ trợ điều phối điểm tiêm, đi chợ giúp dân, mua thuốc giúp dân, chăm lo túi an sinh. Khi được nghe điểm tiêm cho nghỉ một ngày, mọi người đã phải tranh thủ tối đa nhân lực, tất bật lên danh sách những gì cần cho mùa trung thu năm nay cũng như kịch bản trung thu”, chị Như nói.
|
Chị Như thông tin thêm: “Chúng tôi phải đăng những dòng trạng thái lên mạng xã hội để tìm lồng đèn và bánh cho các bé. Khó khăn của năm nay là có rất ít các cơ sở còn sản xuất, hoạt động. Nhưng cũng rất may mắn, được sự hỗ trợ của mạnh thường quân, chính quyền địa phương có được 200 phần quà chỉ trong một ngày”.
Bình luận (0)