"Ngồi nhầm chỗ" rất nhiều!
Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và đông đảo các đoàn viên thanh niên của đơn vị này. Là diễn giả của chương trình, PGS - TS Đào Thị Ái Thi, giảng viên cao cấp, Phó hiệu trưởng Trường Quản lý khoa học công nghệ (Bộ Khoa học - công nghệ), cho rằng hiện nay văn hóa công sở chưa được coi trọng nên có tình trạng “ngồi nhầm chỗ” rất nhiều.
Bà Thi kể, bà từng gặp những người học vấn thấp nhưng văn hóa cao, nhưng có người học vấn cao văn hóa lại thấp. Bà ví dụ về việc từng gặp một cậu bé lái đò biết cảm ơn khi khách khen quê mình đẹp, nhưng một ông vụ trưởng khi được khách quốc tế khen Việt Nam đẹp thì lại nói: “Đó là ông mới đến chưa biết đấy thôi, chứ ở vài hôm ra đường không cẩn thận có mấy thằng điên nó kẹp ông chết tươi”!
Rồi bà lại kể câu chuyện khi đến một cơ quan làm việc, khi qua cổng bảo vệ, thấy bác bảo vệ đang ngồi vê râu, bà chào 3 lần cũng không được trả lời. Đến khi vào cất xe thì bị quát: Cô kia đi vào gặp ai, giấy tờ đâu?
“Khi tôi phản ánh việc này với chánh văn phòng thì được trả lời là do bác bảo vệ mắc bệnh nghễnh ngãng!”, bà Thi kể và cho rằng, văn hoá đầu tiên nơi công sở phải bắt đầu từ bảo vệ. Khi đi sang nước ngoài, tại một cơ quan của Hàn Quốc, bà chứng kiến người bảo vệ cúi đầu chào khách khi ra về và cứ cúi mãi như thế cho đến khi khách đi khuất, bà lại càng thấy văn hóa công sở Việt Nam chưa được coi trọng.
“Văn hoá không đồng nhất học vấn, nhưng học vấn là chìa khoá để bước vào văn hoá. Người làm việc công sở là đại diện của nhà nước nên từ cổng bảo vệ đã phải là người có văn hóa rồi”, bà Thi nhấn mạnh.
Giao tiếp thế nào là đúng mực?
Một vấn đề nhiều bạn trẻ tham dự tọa đàm bày tỏ băn khoăn, là hiện nay đội ngũ kiểm toán viên của Kiểm toán nhà nước đa phần có tuổi đời khá trẻ, trong khi đó, khi làm việc với các đơn vị được kiểm toán thì phần lớn tiếp xúc với người đứng đầu đơn vị, hoặc trưởng các bộ phận liên quan lại chủ yếu là những người lớn tuổi, có thâm niên, bề dày kinh nghiệm, chuyên môn.
“Việc giao tiếp và ứng xử với đơn vị nếu thân thiết, vồn vã, dễ dãi hoặc nhún nhường quá thì dễ bị coi là chưa đủ bản lĩnh, chưa đủ tầm hoặc độ chín chắn... Nhưng nếu cứng rắn quá, giữ khuôn phép hoặc cương trực quá trong trao đổi, ứng xử thì lại dễ bị coi là thiếu sự tôn trọng, ngông nghênh, thiếu khiêm tốn và thậm chí sẽ có phản ánh về cơ quan, rồi tam sao thất bản thành ra bị chính thủ trưởng, đồng nghiệp hiểu lầm”, một đoàn viên trăn trở.
Một đoàn viên khác cũng ví dụ cụ thể là khi tiếp xúc với lực lượng vũ trang thường là những người có quân hàm cao, không biết xưng hô như thế nào cho đúng mực. “Ngay ở công sở cũng vậy, có hai người ngang tuổi nhau nhưng có người tôi gọi bằng chú, có người lại gọi bằng anh, tôi rất băn khoăn không biết xưng hô thế nào cho đúng mực?”, một đoàn viên đặt câu hỏi.
|
Trả lời những băn khoăn này, bà Thi cho rằng, văn hóa công sở có sự khác biệt với các văn hóa khác, vì người đang khoác áo công chức sẽ là đại diện hình ảnh của nhà nước, nên trong giao tiếp phải có tính tổ chức, tính pháp lý, tính chuẩn mực và ở mối hệ nào thì phải có chuẩn mực đạo đức của quan hệ đó.
Cũng là câu chuyện về văn hóa ứng xử, bà Thi cho biết, có lần đã chứng kiến hai anh công an phường gặp một bà cụ bán cháo không đúng nơi quy định, một anh dí dùi cui vào mặt bà, một anh quát: đây là chỗ bà bán cháo à, rồi cầm nồi cháo đổ xuống cống. Bà Thi khẳng định đó là một hành động “vô văn hóa”.
“Khi làm việc, mình là người đại diện cho nhà nước, thì cần phải có văn hóa ứng xử phù hợp. Lẽ ra anh công an phải chào hỏi bà cụ, nói rõ bà vi phạm điều gì và ra quyết định xử phạt. Nếu bà cụ không có tiền thì lại phải có hướng xử lý khác… Ngay cả khi đưa ra quyết định xử phạt cũng phải nói lời cảm ơn vì đối tượng đã hợp tác …”, bà Thi nói.
Theo bà Thi, ở Việt Nam chưa có quy định rõ về cách xưng hô nơi công sở nhưng thường gọi lãnh đạo cơ quan là thủ trưởng, công dân là quý ông, bà, cô, cậu, quý vị, quý cơ quan khi thi hành công vụ. “Nó là phương pháp giao tiếp tiên học lễ hậu học văn, tôn trọng công lý và con người”, PGS Thi bày tỏ.
Cũng trả lời những câu hỏi trên của đoàn viên, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán nhà nước, khuyên: “Các bạn cứ tự tin, ngay ngắn, khiêm tốn nhưng không quỵ luỵ, không thân thiện đến mức không còn khoảng cách. Xưng hô tại đơn vị có thể dùng chức danh hoặc anh, tôi. Tuỳ vào mức độ thân thiện nhưng khi nhiệm vụ thì nên xưng hô là “tôi”. Tuỳ mức độ tình cảm có thể xưng hô sao cho lễ phép”.
Ông Phớc cũng cho rằng, trong cách giao tiếp xưng hô của cơ quan Kiểm toán nhà nước thì còn thua một số bộ, ngành khác. Vì vậy, ông đề nghị các bạn trẻ của cơ quan phải học tập, rèn luyện kỹ năng này.
“Cần phải nói năng mạch lạc, có căn cứ bằng chứng, lý lẽ để tranh luận vấn đề. Có những cuộc tranh luận với đơn vị được kiểm toán gay gắt, nhưng họ tranh luận mới giúp kiểm toán viên có góc nhìn thận trọng, kết luận chính xác. Chúng ta cần làm việc nghiêm túc, đứng đắn, khiêm tốn, thể hiện năng lực trình độ và sự tử tế thì mới giữ được hình ảnh, uy tín của ngành kiểm toán”, ông Phớc nhấn mạnh.
Bình luận (0)