Giọng ca vàng thuở ấy… bây giờ: Ngôi sao nhạc 'đỏ' hát khúc ca 'xanh'

04/03/2016 06:45 GMT+7

Vào thập niên 1970, các nghệ sĩ Quốc Hương, Quý Dương, Trần Thụ và Mạnh Hà được bầu chọn là những nam ca sĩ được yêu thích nhất trên sóng phát thanh.

Vào thập niên 1970, các nghệ sĩ Quốc Hương, Quý Dương, Trần Thụ và Mạnh Hà được bầu chọn là những nam ca sĩ được yêu thích nhất trên sóng phát thanh. 

Nghệ sĩ Mạnh Hà (giữa) trong chương trình biểu diễn khi còn trẻ - Ảnh: Tư liệu gia đìnhNghệ sĩ Mạnh Hà (giữa) trong chương trình biểu diễn khi còn trẻ - Ảnh: Tư liệu gia đình
Trong bốn giọng ca ấy, ba nghệ sĩ giờ đã là người thiên cổ, chỉ còn nghệ sĩ Mạnh Hà nay đã ở tuổi 73.
Ngôi sao nhạc “đỏ”
Sau khi giành giải thưởng văn nghệ quần chúng vào năm 1964, nghệ sĩ Mạnh Hà được tuyển về Đoàn ca múa nhạc VN (sau là Nhà hát Ca múa nhạc VN). Từ một giọng ca trong dàn hợp xướng, ông đã rèn giũa để được lựa chọn hát tốp ca, và trở thành giọng hát đơn ca “đinh” của đoàn. Trải qua thời gian, với giọng hát dày, ấm áp, truyền cảm, mang màu sắc trữ tình, Mạnh Hà đã trở thành ngôi sao nhạc “đỏ” trong lòng công chúng.
Cùng anh tiến quân trên đường dài (nhạc sĩ Huy Du) là ca khúc đã tạo nên tên tuổi Mạnh Hà. Ông cũng là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này trên đài phát thanh. Ông nhớ lại: “Tôi đã vào chiến trường, được nhìn thấy những trận địa pháo, nơi mà anh hùng Nguyễn Viết Xuân đã hy sinh, nên tôi biết được thế nào là “nhằm thẳng quân thù mà bắn”.
Tiếng hát cảm xúc và sự sôi nổi của tuổi trẻ đã thuyết phục nhạc sĩ Phạm Tuyên giao ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn cho nghệ sĩ Mạnh Hà. Ca khúc được viết vào năm 1967. Chỉ một năm sau, Chiếc gậy Trường Sơn với tiếng hát đầy khí thế của Mạnh Hà đã vang khắp các con đường hành quân. Ông cũng là người thể hiện đầu tiên ca khúc Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Bài hát được đặc biệt yêu thích trong thời điểm ấy bởi khác với những ca khúc mang màu sắc hành khúc cùng thời, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã đưa chất nhạc trữ tình vào trong lời thơ của Phạm Tiến Duật.
Cũng giống như nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ, Mạnh Hà đã hành quân vào chiến trường trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt nhất. Ông đã quen với những buổi biểu diễn chỉ có ánh trăng chiếu sáng, sân khấu chỉ là bãi đất trống, người nghệ sĩ vẫn hát, vẫn múa, vẫn chơi đàn. “Tôi nhớ những đêm vào các quân khu trong rừng, biểu diễn mà có 2 chiếc đèn măng sông, thêm cái loa phóng thanh nữa đã được coi là hoành tráng lắm rồi”, nghệ sĩ Mạnh Hà kể. Sau những đêm diễn ở chiến trường, người nghệ sĩ lại phục vụ khán giả ở hậu phương. Những chương trình tại vườn hoa Chí Linh, công viên Bách Thảo, quảng trường trước Ngân hàng Nhà nước... lúc nào cũng có hàng nghìn người đứng xem.
Nghệ sĩ Mạnh Hà đã ở tuổi 73 - Ảnh: Ngọc An
Từ nhạc “đỏ” đến nhạc “xanh”
Sau năm 1975, nhiều ban nhạc và nghệ sĩ miền Nam ra biểu diễn tại miền Bắc với phong cách âm nhạc mang màu sắc nhạc nhẹ (có thời gian được gọi là nhạc “xanh” ở miền Bắc). Khán giả miền Bắc vốn thường nghe nhạc dân tộc, nhạc cách mạng nay được nghe thể loại nhạc mới nên rất hứng thú. Những buổi biểu diễn của các ban nhạc, nghệ sĩ miền Nam luôn đông nghịt khán giả, vé bán “đắt như tôm tươi”. Không chỉ vậy, còn có những ban nhạc quốc tế đến từ Bulgaria, Nga, Hungary, Đức... tới biểu diễn, các nghệ sĩ vừa hát vừa nhảy mang đến bầu không khí mới. Người dân nô nức kéo đến xem, không còn mấy mặn mà với những chương trình với dòng nhạc quen thuộc, nghệ sĩ chỉ đứng yên hát sau micro.
Hà Nội bước vào cuộc khủng hoảng giao thời. Nhiều nghệ sĩ đã phải chuyển đổi công việc. Đến năm 1979, những nghệ sĩ VN đầu tiên trong đó có nghệ sĩ Mạnh Hà được cử đi học tập về nhạc nhẹ tại Ba Lan, Tiệp Khắc. Ông nhớ lại: “Chúng tôi được học về âm nhạc, cách dàn dựng, diễn xuất và thấy mình đã quá lạc hậu, cổ hủ”.
Sau đó, vào những năm 1980 - 1981, đoàn nhạc nhẹ sơ khai đầu tiên được xây dựng gồm khoảng hơn 20 người, trong đó gồm ca sĩ Mạnh Hà, Lệ Quyên, Ái Vân, Vũ Dậu, Quang Huy, Minh Đức, nghệ sĩ múa Lê Vy... Đoàn đi lưu diễn tại TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... có ngày diễn 2 suất. Trong thời gian đầu, ở miền Bắc, các nghệ sĩ còn chưa quen phối nhạc nhẹ. Mọi người nghe đĩa rồi bê nguyên xi các bài hát quốc tế, hoặc lấy những bài hát bản phối của các nghệ sĩ miền Nam. Sau vài năm, các nghệ sĩ miền Bắc “quen” với nhạc nhẹ. Từ một ngôi sao nhạc “đỏ”, nghệ sĩ Mạnh Hà đã trở thành một trong những nghệ sĩ tiên phong của dòng nhạc nhẹ tại miền Bắc, cùng với các giọng ca như Lệ Quyên - người được mệnh danh là nữ hoàng nhạc nhẹ, Ái Vân, Vũ Dậu...
Cuộc sống của ông giờ thật yên bình với những niềm vui thú của tuổi già. Ông bảo, thỉnh thoảng có người nhớ đến, ông lại đi hát để chiều lòng khán giả. Cách đây 3 năm, ông được mời tham dự chương trình biểu diễn cùng ca sĩ Lệ Quyên tại Pháp. Dù ông đã ở tuổi thất thập nhưng dường như giọng hát của ông vẫn chưa chịu “già” đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.