Giông, lốc xoáy xuất hiện liên tiếp

26/08/2010 23:54 GMT+7

Như tin đã đưa, tại xã Tráng Việt (H.Mê Linh, Hà Nội), trưa 25.8 chỉ trong vòng 5 phút, lốc xoáy đã thổi tung trên 50 nóc nhà, cuốn phăng gạch ngói lên cao tới 20 - 30m, làm 5 người bị thương do gạch ngói rơi trúng.

Trước đó một ngày, tại xã Đông Tảo (H.Khoái Châu, Hưng Yên), một cơn giông cực mạnh kéo dài 15 phút đã khiến hàng ngàn người dân địa phương hoảng loạn. 3 ngôi trường và hơn 300 nhà dân bị tốc mái, trên 3.000 cây xanh bị gãy đổ. 20 giáo viên và học sinh bị thương do kính và ngói bị gió giật tung, rơi trúng người. Theo những người dân xã Đông Tảo, đây là trận giông lốc kinh hoàng nhất xảy ra trên địa bàn từ trước đến nay.

Giông lốc cũng đã làm tốc mái 24 ngôi nhà tại các thôn Nà Đon và Bản Trang (xã Đội Cấn, H.Tràng Định, Lạng Sơn), thổi bay mái nhà của 14 hộ dân ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), xô đổ sập hoàn toàn 5 ngôi nhà và tốc mái 25 ngôi nhà khác tại huyện Lục Yên (Yên Bái).

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, nhận định những trận giông lốc này một phần là do hoàn lưu của cơn bão số 3 gây ra. Theo ông Hải, giông, lốc xoáy là các hiện tượng thời tiết cực đoan, xảy ra trong thời gian ngắn khoảng từ vài phút đến 1 tiếng đồng hồ và trên diện hẹp, nhưng thường để lại hậu quả nặng nề: tốc mái nhà, cây đổ...

Các chuyên gia dự báo khí tượng cho biết giông mạnh thường mang theo gió giật trên cấp 6, lốc xoáy là những cơn giông cực mạnh kèm theo các xoáy gió nhỏ nhưng có sức tàn phá ghê gớm, có thể hút cả ngôi nhà bay lên trời. Ở nước ta, tần suất xảy ra giông và giông mạnh là cao ở hầu khắp các khu vực. Trong đó, ở Bắc Bộ và miền Trung, giông và giông mạnh thường xuất hiện trong từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, cao điểm là các tháng 5, 6 và 7. Người dân các tỉnh miền Nam thường phải hứng chịu giông mạnh vào các tháng 4, 5 và 6.

Xuất hiện áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Thái Bình Dương

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, trưa 26.8, trên vùng biển ngoài khơi Thái Bình Dương một vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Chiều cùng ngày, tâm ATNĐ ở vào khoảng 22 độ vĩ bắc, 132 độ kinh đông với sức gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Dự báo, trong 1-2 ngày tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây - tây bắc và có khả năng mạnh lên thành bão. Trong khi đó, ngay sát phía đông đảo Luzong (Philippines) cũng có một vùng áp thấp đang hoạt động. Vùng áp thấp này đang di chuyển chậm theo hướng tây, hướng vào biển Đông.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.