Giọt nắng thôi rơi bên thềm

16/03/2016 06:23 GMT+7

Tôi gặp Thanh Tùng lần đầu tiên trong lớp bồi dưỡng sáng tác, thanh nhạc do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) tổ chức tại số 7 Phan Kế Bính (TP.HCM) từ những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thanh Tùng hướng dẫn về môn chỉ huy dàn nhạc, vốn là món chính anh học ở Triều Tiên. Tình bạn khởi đầu từ đó.

Tôi gặp Thanh Tùng lần đầu tiên trong lớp bồi dưỡng sáng tác, thanh nhạc do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) tổ chức tại số 7 Phan Kế Bính (TP.HCM) từ những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thanh Tùng hướng dẫn về môn chỉ huy dàn nhạc, vốn là món chính anh học ở Triều Tiên. Tình bạn khởi đầu từ đó.

Ảnh: Nguyễn Đình ToánẢnh: Nguyễn Đình Toán
Tôi không biết anh bắt đầu sáng tác từ lúc nào, chỉ biết bài đầu tiên anh viết trong một dịp rất tình cờ. Lúc bấy giờ Hãng ASIA thực hiện một đĩa nhạc về công trình thủy điện Trị An. Thiếu một bài. Thanh Tùng là người phối âm phối khí cho chương trình, do đó anh lập tức viết ca khúc Mặt trời Trị An. Cũng trong thời gian này, anh đưa cho tôi xem bài hát mới: Hát với chú ve con. Sau đó, anh gia nhập CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn do tôi làm chủ nhiệm.
Tính tình phóng khoáng, nhiệt tình, anh rất được lòng mọi người. Những bài hát của anh nhanh chóng được giới trẻ yêu thích. Anh em trong nhóm nhạc sĩ Những người bạn (gồm: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng) thường trêu anh là “nhạc sĩ ngồi”, vì trong đa số tác phẩm của anh hay nhắc đến từ “ngồi”. Ví dụ, “có những lúc tôi ngồi một mình” trong ca khúc Cám ơn mùa thu.
Nhạc sĩ Thanh Tùng và ca sĩ Mỹ Dung - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
15 năm kể từ năm 1982 có thể nói đó là giai đoạn “sung sức” của Thanh Tùng. “Sung sức” ở đây không chỉ trong ca khúc mà còn trong “cõi tình”! Sau này có lúc anh tâm sự: “Thời mình nghèo thì không có điều kiện, đến lúc có chút tiền thì nó... “nghèo” mất rồi!”. Phải chăng điều đó đã “vận” vào tác phẩm Một mình của anh?
Một trong những quy ước của nhóm nhạc sĩ Những người bạn là mỗi tháng họp mặt một lần, mỗi người phải “báo cáo” tác phẩm mới. Ai không có ca khúc mới phải chịu phạt: lo chầu nhậu cho anh em. Không biết có cố ý hay không mà Thanh Tùng luôn là người “tình nguyện” chịu phạt. Cũng có thể, vì lúc bấy giờ anh kinh doanh bất động sản nên muốn... bao mọi người chăng!
Ngã bệnh, Thanh Tùng tránh gặp mọi người. Anh như người sống ẩn dật, xa cách mọi mối liên hệ, xa cách hẳn mọi người. Mấy năm trước, Đài VTC muốn làm chương trình về Thanh Tùng. Rất khó tìm anh. Tôi phải cung cấp một số tư liệu về anh cho ban biên tập. Và tìm anh để thực hiện những clip quý giá phỏng vấn anh là một quá trình đầy nhiệt huyết của những người thực hiện.
Tôi luôn nhớ những chuyến lưu diễn của nhóm nhạc sĩ Những người bạn từ các trường đại học tại TP.HCM đến ĐH Sư phạm Quy Nhơn, rồi ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, Bách khoa, Kinh tế Quốc dân Hà Nội, rạp Trưng Vương (Đà Nẵng)...
Đang đi thực tế sáng tác ở các đồn biên phòng Đăk Ka, Đăk Ơ, Đăk Huýt, Tà Nốt, Hoa Lư... ở Bình Phước nghe tin anh vừa qua đời. Bàng hoàng. Dẫu biết rằng ngày ấy sẽ đến và đã đến sao vẫn thấy bùi ngùi. 3 nốt nhạc trong 7 nốt của nhóm nhạc sĩ Những người bạn đã ra đi.
Xin thắp một nén hương để tưởng nhớ đến anh: nhạc sĩ Thanh Tùng.
Nhạc sĩ Thanh Tùng (tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Tùng) sinh năm 1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Năm 6 tuổi, ông theo ba mẹ tập kết ra Bắc. Tuổi thơ ông lớn lên tại Hà Nội. Từ năm 1971 - 1975, ông là chỉ huy dàn nhạc Đài tiếng nói VN. Sau năm 1975, ông chuyển vào sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Nhạc sĩ Thanh Tùng được coi là một trong những “cây đại thụ” của nền nhạc nhẹ VN. Ông được ví như nhạc sĩ của những bản tình ca.
“Ai vội đi để ai còn đứng đó. Tìm bàn chân ai trong tiếng lá rơi”... Từ nay con đường nhỏ đã vắng bàn chân ông, nhưng những bài ca ông viết sẽ vẫn mãi vang lên trong trái tim của biết bao thế hệ khán giả.
Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời lúc 5 giờ 45 ngày 15.3 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Lễ viếng và truy điệu được tổ chức từ 8 - 10 giờ 30 ngày 22.3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội); an táng cùng ngày tại công viên nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp, H.Phù Ninh, Phú Thọ).
Nhạc sĩ Thanh Tùng đã làm trọn phận sự của người nhạc sĩ. Những bản tình ca ông viết sẽ vẫn mãi được hát cho mọi người: Câu chuyện nhỏ của tôi, Chuyện tình của biển, Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con, Hoa tím ngoài sân, Hoàng hôn màu lá, Lối cũ ta về, Lời tỏ tình của mùa xuân, Mưa ngâu, Một mình, Ngôi sao cô đơn, Phố biển, Trái tim không ngủ yên, Vĩnh biệt mùa hè...
Cách đây 4 năm, trong đêm nhạc Lối cũ ta về, nhạc sĩ Thanh Tùng xuất hiện trên sân khấu Hà Nội cùng chiếc xe lăn. Đó cũng là khoảng thời gian ông vừa từ TP.HCM trở về sống tại Hà Nội cùng các con. Sau cơn tai biến bất ngờ xảy đến vào năm 2008, nhạc sĩ bị liệt bên phải, ông không đi lại và nói được nữa. Sức khỏe của ông mỗi ngày lại yếu thêm bởi chứng bệnh tiểu đường và bệnh thận.
Ngọc An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.