Từ một Việt Nam đã không còn là “vẻ đẹp tiềm ẩn”
Vài năm gần đây, Việt Nam được chọn làm bối cảnh trong một loạt các phim nước ngoài. Và dự án phim điện ảnh Girls 2: Những cô gái và găng tơ do nhà sản xuất Trần Bảo Sơn kết hợp với đạo diễn Hoàng Chân Chân cùng ê-kíp làm phim ở Hồng Kông chơi trội hơn khi sử dụng 95% bối cảnh ở chính Việt Nam.
Ở phần 1, phim Girls xoay quanh câu chuyện về bộ ba Hi Vấn, Kimmy và Tiểu Mỹ chơi với nhau từ nhỏ và chứng kiến sự trưởng thành lớn lên của nhau. Ba cô gái này ai cũng ngọt ngào, yêu đời, nhưng đều phải đối mặt với khó khăn thử thách và sau đó nhận ra được thước đo tình bạn giữa họ.
Tiếp theo mạch cảm xúc của phần 1, Hi Vấn (Trần Y Hàm) dự định lấy chồng và trước khi kết hôn đã quyết định đi du lịch độc thân đến Việt Nam cùng nhóm bạn thân.
Hình ảnh Việt Nam hiện lên trong phim khá chi tiết, từ Sài Gòn hoa lệ cho tới những bãi biển Mũi Né, Phan Thiết cho đến ghe nước miền Tây đều hết sức đẹp và cuốn hút.
|
Chưa hết, ẩm thực vỉa hè cùng những thuyền chở đầy trái cây trên sông nước của những cô gái bán hàng e ấp trong nón lá cũng được đạo diễn khai thác khá kỹ tạo ra một sự tự hào không hề nhỏ về một đất nước yên bình, đẹp tươi.
Có thể nói, với Girls 2 - Những cô gái và găng tơ thực sự là một phim đánh dấu Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “filming location” tuyệt vời cho các đoàn phim quốc tế.
Đến tính “quốc tế hóa” trong Girls 2: những cô gái và găng tơ
Cũng giống như đa phần các bộ phim hợp tác khác, Girls 2: Những cô gái và găng tơ có một thể loại thoại không giống ai. Lúc là tiếng Hoa, lúc là tiếng Anh và lúc lại là tiếng Việt.
Nhưng hãy khoan phán xét, hãy xét căn cốt vấn đề rằng Girls 2: Những cô gái và găng tơ là phim Hồng Kông tiếp nối phần 1 và phần 2 được quay ở Việt Nam nên việc phần lớn thoại bằng tiếng Hoa cũng là điều dễ hiểu.
Còn tiếng Anh thì có sự xuất hiện của Mike Tyson - huyền thoại boxing - và hơn nữa, Hồng Kông cũng là mảnh đất có tỷ lệ sử dụng tiếng Anh trên mật độ dân số cao gần như nhất châu Á nên điều đó cũng không lạ. Tất nhiên, tiếng Việt cũng không thể thiếu với sự góp mặt của các diễn viên bản địa như: Trần Bảo Sơn, Elle Trần…
|
Ở Đông Nam Á, lần lượt Indonesia đã xuất hiện trong Ăn, cầu nguyện và yêu; Thái Lan trong series phim về Điệp viên 007, Campuchia trong Tomb Raider… Giờ là lúc đến Việt Nam được “quảng bá miễn phí”.
Cũng từ câu chuyện “quốc tế hóa” này để thấy, đây không chỉ là cơ hội cho ngành du lịch mà thực sự là cho hầu hết các bộ phận của ngành điện ảnh nước nhà, đặc biệt là sản xuất. Và cũng từ những thực tế như vậy, việc phân loại phim sang, phim chợ không thật sự cần thiết bởi khi quyết định mang ê-kíp qua Việt Nam quay của các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền điện ảnh phát triển thì rõ ràng điều chúng ta cần làm là: quan sát và học hỏi. Mỹ, Pháp, Hồng Kông có vị trí như thế nào trên bản đồ điện ảnh quốc tế là điều không cần phải tìm hiểu thêm.
|
Bình luận (0)