Các cáo buộc kia đặc biệt ở chỗ Trung Quốc chẳng khác gì trên thực tế bị Mỹ và đồng minh, đối tác tuyên chiến trên lĩnh vực an ninh mạng. Trong khi đó, chuyến thăm sắp tới của bà Sherman lại có tính chất ngược lại.
Bà Sherman sẽ là quan chức cao cấp thứ hai của chính quyền Tổng thống Joe Biden tới Trung Quốc. Nhưng hai bên được cho sẽ chỉ đề cập và thảo luận chung về quan hệ song phương chứ không đạt được thỏa thuận gì, càng chưa giải quyết được vấn đề mắc mớ nào giữa hai bên. Trong khuôn khổ chuyến đi châu Á này, bà Sherman còn tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ.
Đối với quan hệ Mỹ - Trung, động thái ngoại giao này của Mỹ mang ý nghĩa chính trị chủ yếu và trước hết. Bản chất chính sách của ông Biden đối với Trung Quốc là gay gắt trong khuôn khổ cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện, nhưng lại hợp tác với Trung Quốc trên những phương diện có thể cũng như buộc phải hợp tác. Vì thế, tuy đối đầu nhưng Mỹ vẫn chủ trương tiếp xúc và đối thoại với Trung Quốc.
Duy trì dư địa hợp tác còn giúp Mỹ phân rẽ Trung Quốc với Nga và CHDCND Triều Tiên. Để đối phó Triều Tiên, Mỹ phải củng cố quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng đồng thời vẫn phải dựa cậy vào Trung Quốc và Nga ở mức độ nào đó. Đối đầu nhưng vẫn phải giữ cầu đối thoại.
Bình luận (0)