‘Giữ chân’ ngoại tệ: Chính sách phải tạo niềm tin

27/07/2017 06:40 GMT+7

Cơ hội ở các thị trường mới nổi như VN luôn hấp dẫn, vấn đề quan trọng để “giữ chân” nguồn lực trong nước và thu hút vốn nước ngoài phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định, nhất quán của chính sách.

Không để DN vừa làm vừa phập phồng
Chính sách hay thay đổi, thay đổi đột ngột hoặc quản không được thì "siết" là nỗi lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp (DN). Chỉ trong mấy tháng đầu năm nay đã xảy ra khá nhiều vấn đề liên quan đến việc này. Đơn cử Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết khiến hàng loạt tập đoàn, DN lớn trong nước xất bất xang bang.

tin liên quan

'Giữ chân' ngoại tệ
Vừa nỗ lực để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối, đẩy mạnh xuất khẩu thu ngoại tệ thì mỗi năm, người Việt vừa chi 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ...
Cụ thể, nghị định khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao). Như vậy, nếu một DN hoạt động theo mô hình mẹ - con có lợi nhuận chưa trừ chi phí là 100 đồng, thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Nếu vượt quá mức này, chi phí lãi vay đó không được tính là chi phí hợp lệ, không được trừ khi tính thuế TNDN.


Cứ cải thiện môi trường đầu tư để họ thấy được cơ hội làm ăn, cơ hội kiếm lời, cơ hội đóng góp cho đất nước thì chẳng ai tội gì chuyển tiền ra ngoài để gặp rủi ro

TS Lê Đạt Chí, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM


Mục đích của quy định này là để chống chuyển giá của các DN nước ngoài, nhưng thực tế khiến các DN VN bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi đặc thù của DN nội là quy mô nhỏ, vốn dựa vào ngân hàng. Nếu khống chế chi phí lãi vay sẽ khiến DN khó mở rộng quy mô, lớn mạnh.
Tương tự, mới đây Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) tái kiến nghị cho phép DN BĐS được bù trừ (hai chiều) thu nhập từ hoạt động kinh doanh BĐS với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Theo quy định hiện hành, DN không được lấy lợi nhuận từ BĐS để bù trừ cho các hoạt động kinh doanh khác bị thua lỗ. Quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế, bất hợp lý và không công bằng đối với các DN BĐS, vì trong cùng một DN thì các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều được đầu tư từ nguồn vốn của DN đó, hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh chính là kết quả tổng hợp của các hoạt động trên.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng hệ thống chính sách liên quan đến thị trường đất đai chưa đạt được tính hoàn thiện và ổn định. Mỗi giai đoạn phát triển kinh tế cần một khung pháp luật phù hợp, nhưng hệ thống cũng như tính đồng bộ còn khập khiễng. Ví dụ, xác định, thẩm định giá đất dự án trước đây do Sở Tài chính là cơ quan giữ vai trò quyết định nay lại chia ra 2 công đoạn, với sự tham gia thêm của Sở TN-MT gây kéo dài thủ tục hành chính. Chính sách điều tiết không hợp lý sẽ tác động lớn đến thị trường, dễ dàng làm DN khựng lại, lao dốc.
Ưu đãi, hỗ trợ, củng cố nội lực
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nước lân cận cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút vốn. Vì vậy, việc hỗ trợ, ưu đãi, sát cánh để xây dựng đội ngũ DN nội lớn mạnh không chỉ là giữ chân nguồn lực trong nước mà còn thu hút vốn ngoại đầu tư vào VN.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết từ nhiều năm nay, HoREA đã luôn cố gắng giúp cơ quan quản lý hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan thị trường BĐS, nhưng đó là một con đường còn gian nan. Vài năm gần đây, nhiều chính sách đã mạnh dạn hơn, thoáng hơn như cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà. Hiện nay, cơ quan quản lý đang nghiên cứu “mở” thế chấp quyền sử dụng đất được thế chấp ở ngân hàng nước ngoài... “Nguồn lực trong nước ra đi, vốn nước ngoài tràn vào, lâu ngày sẽ mất thị trường, khối DN tư nhân nội địa sẽ teo tóp, rất nguy hiểm. Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ, ưu đãi thì những chính sách gây khó, những cơ chế cản trở hoạt động của DN cần được loại bỏ để xây dựng đội ngũ DN tư nhân trong nước mạnh, đủ sức làm đối trọng với DN ngoại khi chúng ta mở cửa hoàn toàn thị trường nội địa. Đó là cách giữ chân nguồn lực tốt nhất”, một chuyên gia kiến nghị.
TS Lê Đạt Chí, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng để giữ chân được nhà đầu tư và dòng vốn của người dân, yếu tố đầu tiên là niềm tin vào môi trường kinh doanh, kế đến là đảm bảo được sự an toàn khi kinh doanh, đầu tư của người dân. “Lâu nay nhiều người cho rằng phải cải thiện môi trường đầu tư mới thu hút được vốn ngoại, nhưng lại quên rằng đối tượng chủ đạo hưởng lợi từ sự cải thiện đó là DN kinh doanh trong nước. Vì vậy, cứ cải thiện môi trường đầu tư để họ thấy được cơ hội làm ăn, cơ hội kiếm lời, cơ hội đóng góp cho đất nước thì chẳng ai tội gì chuyển tiền ra ngoài để gặp rủi ro”, ông Chí nói và cho rằng thị trường nội địa với 93 triệu dân là đáng mơ ước với bất cứ DN nào trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.